khuynh hướng lạm phát, và biết rằng con người khôn ngoan thì không bao
giờ lại nghĩ tới việc tích lũy tiền bạc.
Nghiên cứu dĩ vãng, chúng ta thấy rõ ràng rằng bất kì chế độ kinh tế nào,
tới một lúc nào đó, cũng phải dùng cái lợi để thúc đẩy cá nhân và đoàn thể
tăng năng suất lên. Các phương pháp khác (bóc lột bọn nô lệ, đàn áp kẻ
phản kháng, kích thích người ta bằng ý thức hệ) đều ít hiệu quả, tốn kém
quá, hoặc không thể dùng lâu được. Bình thường ra và xét chung thì tùy
theo khả năng sản xuất mà chúng ta định giá trị của một người (trừ trong
chiến tranh, lúc đó giá trị mới tùy theo khả năng phá hoại).
Mà những khả năng thực tế của mỗi người đều khác nhau, và trong hầu
hết các xã hội, đa số các khả năng đều tập trung vào một số người tối thiểu.
Sự tập trung tài sản [vào một số ít người] là hậu quả tự nhiên của sự tập
trung các khả năng đó, nó tái hiện hoài hoài trong lịch sử. Nếu mọi điều
kiện, hoàn cảnh như nhau, thì sự tự do kinh tế – do luật pháp và đạo đức
cho phép – càng cao, mức độ tập trung tài sản cũng càng cao. Chế độ độc
tài có thể hãm lại sự tập trung đó trong một thời gian; chế độ dân chủ cho
con người được tự do tối đa, trái lại xúc tiến sự tập trung đó. Cho tới năm
1776, người Mĩ tương đối bình đẳng với nhau; rồi từ năm đó trở đi, có cả
ngàn yếu tố khiến cho họ cách biệt nhau về thể chất, trí tuệ hoặc kinh tế,
thành thử hiện nay cái hố giữa người giàu và kẻ nghèo càng sâu rộng hơn
bao giờ hết, từ cái thời La Mã còn là đế quốc ở trong tay một bọn phú hào.
Trong các xã hội tiến bộ, sự tập trung tài sản có thể đạt tới một mức mà
hạng người nghèo vì đông đảo, cũng mạnh như hạng giàu sang nhiều khả
năng; sự quân bình bấp bênh ấy gây nên một nguy cơ có thể giải được bằng
hai cách: Hoặc sửa đổi luật pháp để phân chia lại tài sản, hoặc phát sinh
một cuộc cách mạng để chia đều sự khốn cùng.
Năm 594 trước T.L., ở Athènes, theo lời Plutarque
thì “sự cách biệt về
tài sản giữa kẻ nghèo và người giàu đã đạt tới cái mức mà Athènes cơ hồ
như ở trên bờ một vực thẳm; chỉ có mỗi một cách để tránh những cuộc nổi
loạn… là thành lập một chính thể chuyên chế”. Nhận thấy rằng tình cảm
của mình mỗi ngày một thêm khốn đốn, vì chính quyền ở trong tay bọn chủ