CHƯƠNG IX: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ LỊCH SỬ
Sự xung đột giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là một trong
những yếu tố của cái nhịp điệu tập trung và phân tán tài sản chúng tôi đã
nói trong chương trên. Hiển nhiên là giới tư bản đã đóng vai trò kiến tạo
trong lịch sử; họ đã gom góp số tiền dành dụm của nhiều người để gây nên
một số vốn sinh lợi, bằng cách hứa chia lời cho mỗi người; họ đã xuất vốn
để cơ giới hóa kĩ nghệ, canh nông, hợp lí hóa cách thức phân phối sản vật;
hậu quả của tất cả các hoạt động đó là cả cái khối trao đổi sản phẩm giữa
người sản xuất và người tiêu thụ tăng vụt lên, lớn lao chưa từng thấy. Chế
độ tư bản đã lợi dụng nguyên tắc kinh tế tự do, chủ trương rằng các nhà
kinh doanh mà không bị những thuế chuyên chở, những luật lệ hành chính
đè bẹp thì có thể tặng cho dân chúng nhiều thực phẩm hơn, nhiều tiện nghi
trong nhà hơn, nhiều thì giờ nhàn hạ hơn các xí nghiệp do các chính trị gia
dùng công chức để điều khiển, hầu mong thoát được sự chi phối của sự
cung cầu. Trong sự tự do kinh doanh, tinh thần ganh đua và lòng ham tư
hữu thúc đẩy người ta làm việc bằng tay chân và bằng trí óc, gần hết các
thiên tư về kinh tế, không sớm thì muộn cũng sẽ được dùng và được thưởng
công, vì có sự di động các người tài giỏi, có sự đào thải tự nhiên các tài
năng, vả lại khi mà các sản phẩm và các dịch vụ được cung cấp tùy theo
nhu cầu của dân chúng, chứ không tùy theo một sắc lệnh của chính phủ thì
sự diễn tiến của kinh tế mới có thể nói là dân chủ từ căn bản được.
Tất cả những lí lẽ kể trên chứa một phần chân lí, nhưng không giảng
được tại sao trong lịch sử lại có nhiều cuộc phản kháng, nổi loạn để chống
những sự quá lạm của sự áp chế trong kỹ nghệ, sự gian trá về giá cả, thuật
trốn tránh luật pháp của bọn kinh doanh và tinh thần vô trách nhiệm của
bọn phú gia. Những quá lạm đó chắc đã xảy ra từ thời thượng cổ rất xa xăm
vì chúng ta thấy những thí nghiệm chế độ xã hội xuất hiện trong mấy chục
quốc gia và mấy chục thế kỉ. Ở Sumer
vào khoảng 2.100 trước T.L.
Kinh tế được quốc gia tổ chức, phần lớn các đất cày cấy được đều thuộc
về hoàng gia, nông dân gặt hái xong chở lúa lại kho lẫm của hoàng gia và
được chia cho một phần. Để quản trị kinh tế thuộc về quốc quyền đó, người