tuy đồng thời với các dân tộc văn minh ở chung quanh, mà thực ra vẫn
còn sống như thời tiền sử.
Khi các dân tộc đó xâm chiếm một nền văn minh thì văn minh này suy
tàn như đế quốc La Mã hồi xưa và văn minh Trung Hoa cuối đời Tống
(trang 91-93).
8. Ảnh hưởng của các biến cố lớn trong lịch sử luôn luôn xảy ra rất
chậm, về phương diện chính trị cũng như phương diện văn hóa. Chẳng
hạn quân đội Trung Hoa đời Hán dồn một số Hung Nô về miền hồ
Balkash (biên giới Sibérie và Turkestan) trong khoảng từ 40 tới 35, và
những người Hung Nô đó thành dân tộc Tây Hung Nô; nhưng mãi đến
bốn thế kỉ sau, do Attila chỉ huy, dân tộc đó mới xâm chiếm phương
Tây, làm cho đế quốc La Mã hoàn toàn sụp đổ. Một thí dụ nữa: đế
quốc La Mã theo đạo Ki Tô từ năm 325, mà mãi đến năm 1.000, Giáo
hội La Mã mới có được những giáo đường rất đẹp; cũng vậy, đức
Thích Ca tịch năm 483 mà tới thế kỉ thứ V trở đi, mới có tượng Phật
tuyệt mĩ. (trang 103, 104).
9. Một qui luật nữa là không phải cứ một quốc gia bành trướng về chính
trị tới đâu là văn hóa cũng lan tới đó. Mạnh về chính trị chưa nhất định
là cao về văn hóa. Như Pháp thời Napoléon, bành trướng nhất về
chính trị mà chẳng có một tác giả nào lớn cả, trừ Chateaubriand; mà
thời văn học nghệ thuật thịnh lại là thời đệ tam và đệ tử Cộng Hòa
(trang 105-106). Ngược lại, khi chính trị suy vi thì văn hóa lại có thể
rất thịnh. Điển hình nhất là Trung Hoa trong đời Tống, kinh tế, võ bị
suy vi, chính trị hỗn loạn, mà triết học văn học, mĩ thuật (kiến trúc,
họa, đồ sứ) phát triển rực rỡ hơn cả các thế kỉ trước và các thế kỉ sau.
(Coi cuốn Tô Đông Pha của Nguyễn Hiến Lê – Cảo Thơm 1971).
Do đó René Grousset kết luận rằng một lí tưởng nhân bản, yêu hòa bình
có thể có lợi cho những hoạt động tinh thần, còn chính sách phát triển thế
lực, xâm lăng, nhiều khi làm hại cho sự phát triển tinh thần và mĩ thuật của
một nước. Những nhà chinh phục vĩ đại nhất của nhân loại không phải là
Alexandre, César, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon, mà là đức Thích Ca và