người vu đồng nhảy múa mà người Minh còn thấy thời họ cai trị, đến lúc
này đã tập họp thành các Giáo phường đi ca hát, nhảy múa trước các đình
làng trong những buổi hội lễ, vào những dịp Hát cửa đình. Tính chất vừa
thế tục vừa thiêng liêng của bản thân ngôi đình làng thật hợp với sinh hoạt
ca hát này: vừa như một hình thức hiện thân của thần thánh giữa thế gian,
vừa như là một lối giải trí cho dân chúng trong dịp tương thông với thiêng
liêng qua những ngày hội lễ. Tuy nhiên tất cả hình như chỉ mới là khởi đầu,
sự phồn tạp và tính tổ chức chặt chẽ phải đợi đến các thế kỉ sau mới có
chứng cớ rõ rệt.
Một tiểu thiên triều trên bờ biển Đông
Tổ chức học hành thi cử dưới thời Lê sơ, nhất là thời Thánh Tông
đã tạo ra một tầng lớp nho sĩ khác với các triều đại về trước. Rõ ràng nhất
là kiến thức sâu rộng hơn. Không phải chỉ vì Thánh Tông khoe khoang lúc
gần chết – hơi quá lố: “Dù Lí (Bạch), Đỗ (Phủ), Âu (Dương Tu), Tô (Đông
Pha)… vị tất đã làm nổi, duy chỉ có ta là làm được” nhưng cứ so sánh hai
ông sử quan thì rõ ràng Ngô Sĩ Liên đã có kiến thức nhiều hơn Lê Văn
Hưu. Không phải so sánh từng người mà cả về tập thể, thành phần nho sĩ
của Lê cũng nhiều hơn Trần Hồ. Từ đó lại là một phong khí khác của nhà
nho Lê so với thời trước, mà điều này thì cũng không phải lúc nào cũng là
đáng hãnh diện. Họ dài dòng hơn. Nhưng thâm nhập vào kiến văn của Tống
Minh nho, họ cũng phải chịu luỵ vào những ràng buộc khắt khe của tinh
thần duy lí cứng nhắc ở nơi phát xuất kèm theo những hệ luỵ vướng phải từ
lí thuyết thu nhận va chạm với thực tế đất nước họ chịu đựng. Cho nên
Nguyễn Trãi khoái trá mắng chửi “thằng nhãi ranh Tuyên Đức hiếu chiến
hung hăng” thì khi thay mặt Trần Cảo và “đại đầu mục thần Lê mỗ” làm
biểu “trần tình tạ tội” với Thằng nhãi ranh đó, lại bằng lời lẽ van xin thống
thiết học được từ các ông thầy phương Bắc qua văn phong trường ốc. Nho