đạo nói tiếng khác nhau nhưng cũng có cách thông hiểu với nhau được nhờ
cùng khung ngôn ngữ Bantu. Các tập họp liền lạc địa vực có thể làm trung
gian thông hiểu cho các tập họp ở về phía xa hơn. Các tập họp người sống
gần nhau gây ảnh hưởng với nhau về mặt ngôn ngữ, như ngày nay dân
Chàm Bình, Ninh Thuận nói có dấu giọng vì tiếp xúc với người Việt trong
khi người Chàm Châu Đốc lại không thấy có. Do đó, trong trường hợp Lạc
dân của thuộc địa Hán, chính khung cai trị của đế quốc Hán khi kết hợp họ
với nhau trong một hệ thống hành chính quân sự – và văn hoá, qua thời
gian, đã tạo nên một ngôn ngữ thống nhất. Chúng ta không biết thời điểm
cụ thể dứt khoát nhưng người ta thường cho là phải đến thời kì thuộc
Đường thế kỉ VIII mới có dấu hiệu rõ rệt. Đó là chứng cớ, có thể về sau
nhưng được gán cho Phùng Hưng với danh hiệu tôn vinh từ dân chúng: Bố
Cái Đại Vương. Ông K.W. Taylor đã đọc khác là Vua Cái Đại Vương dựa
trên lối ghép tương tự một tập họp tiếng bản xứ “vua lớn” với tập họp từ
Hán “đại vương” giống như ở tên nước Đại/Cồ Việt. Nhưng theo lối nào thì
đó cũng là chứng cớ xa xưa nhất về một thứ tiếng Man ở thuộc địa phía
nam của các triều đại Trung Quốc. Đồng thời ta cũng thấy chứng cớ về một
dòng Thiền xâm nhập thuộc địa trong đời Đường, đúng tên phải là Bích
Quan (“nhìn vào tường”) lại vẫn được gọi là Quan Bích, theo kiểu dùng
chữ Hán mà theo văn pháp Việt, không hiểu đã được dùng vào lúc khởi
thuỷ hay không.
Lí Bí và cuộc tranh khởi độc lập đầu tiên của
thuộc địa Giao Chỉ
Tình hình trung ương yếu ớt dẫn đến sự tiếm quyền ở địa phương
nhưng lần này thì lại tiến lên một mức độ trầm trọng hơn: Người chiếm
quyền lập triều đại, xưng Nam Việt Đế. Đó là Lí Bí, muốn lưu giữ truyền