ông chẳng làm gì khác hơn những người Bana gần đây, theo quan sát của
một nhà dân tộc học, là đánh tù binh và gõ nồi chảo trong lễ mừng chiến
thắng. Và vẫn tiếp tục công việc của người cha, ông hướng sự phát triển về
phía nam: đào kinh, đắp đường, dò lối qua sông… Hình như trong thâm
tâm ông vẫn muốn trở về chiếm lại đất mẹ.
Tuy nhiên không thể mãi là vua Chàm trên đất Việt đã Hoa hoá cả
ngàn năm, nay vẫn còn phải tìm đường đối phó với chủ nhân cũ. Sứ Việt đi
Bắc vẫn phải thường xuyên, kể cả việc cầu thân khéo léo vuốt ve tự ái nước
lớn như xin ân huệ ban phát Kinh Tạng. Hồng Hiến mất đi nhưng chắc đã
để lại một lớp người cùng khuynh hướng còn chút ảnh hưởng khi can Lê
Hoàn đừng bỏ trưởng lập thứ. Cuộc khủng hoảng tranh chấp đã qua, quyền
bính đã vững thì Long Đĩnh phải thấy ra trào lưu chính đang ngự trị ở Hoa
Lư. Thế là có sự “sửa đổi quan chế, triều phục của các quan văn võ và tăng
đạo theo đúng như của Tống.” Vua có người pha trò khôi hài, có kép hát
Tống hành xử đón ý làm vui, có cung tần để thư giãn những lúc nằm dài
tham dự triều chính đến nỗi có tên Ngoạ Triều lưu danh trong sử sách, được
người ta coi là hậu quả của căn bệnh trĩ mà không lưu ý rằng vua còn cỡi
ngựa được cả trước khi chết. Sự căm ghét Ngoạ Triều rõ ra là có căn bản tự
đương thời.
Vậy là sức trì níu của Hoa Lư có cộng thêm chút hơi hướng Chàm
rơi rớt nơi đất lạ cũng không cưỡng lại được đà tiến về phía bắc. Kinh Đại
Tạng mang về làm vững chắc thêm lòng tự tín của tầng lớp tăng đạo Hoa
hoá, cảm thấy tức giận khi Ngoạ Triều róc mía lên đầu Tăng thống Quách
Ngang, sư trưởng của phe phái mình. Cho nên khi Lí thay Lê thì không
phải là một bà hoàng hậu chứng giám sự đổi đời mà là một nhà sư hiện diện
với cả âm mưu không che đậy. Lại cũng một màn binh biến mang tính thủ
lĩnh mạnh, lần này thêm chút tính “quần chúng” từ tập họp tôn giáo. Cuộc
đảo chính mang tính cấp bách hơn: Lí đã cướp quyền Lê chỉ sau hai ngày
Ngoạ Triều mất. Thời thế đã khác với các yếu tố dân sự chen vào Hoa Lư
trong mấy mươi năm. Người cầm quyền mới lần này không phải là tổng tư
lệnh mà là một chỉ huy trưởng khu vực thủ đô, thế lực tuy phải chia sớt