Chính quyền Chiêm phải rút về Phật Thệ (Vijaya, vùng Bình Định
ngày nay) với Harivarman II lên ngôi (988). Trong tình thế ở xa và yếu thế
hẳn Chiêm không thể, và dám liên kết với Dương Tiến Lộc theo lời yêu cầu
của ông này. Thế là Lê Hoàn thành công trong việc đánh bắt người chống
đối, sử ghi ông “giết dân hai châu (Hoan, Ái) không biết bao nhiêu mà kể.”
Có vẻ là nhân dịp này dòng họ Lê Lương cũng mất luôn đất vì ngôi chùa
Hương Nghiêm ở Thanh Hoá của ông Dịch sứ đã tàn tạ khi Lê Hoàn lại đến
năm 1003. Và thế là ta thấy có những công trình khai thác trên đất hai châu
mới chiếm, cũng là một biểu lộ củng cố quyền lực đích thực của Lê Hoàn
trên vùng căn bản của mình. Đã có trận chiến vùng cao Thanh Hoá chống
sự tràn lấn về đông của tập đoàn thiểu số Cử Long (Mường? Thái?) Có việc
đào kênh trên đất Nghệ An mở đường giao thông, có vẻ như muốn nối dài
mối giao thương với vùng nội địa Angkor qua sông Mékong. Công việc
chưa xong thì ông đã chết đi để người nối nghiệp vì mối liên hệ thân tộc lại
chú ý nhiều hơn ở phía nam.
Tính chất truyền nghiệp lúc đầu có vẻ được xác định nhờ ảnh hưởng
của Thái sư Hồng Hiến (+988) “người Bắc, thông hiểu kinh sử… làm quân
sư, mưu bàn việc nước..,” cho nên trong quyết định 989 có Thái tử Thau là
Đại Vương, hai người phòng hờ chỉ được tước Vương. Thế rồi, Thái tử mất
trước (1000), trong quyết định 1004 khi Lê Hoàn thấy mình suy nhược, cấp
thời lại có sự thay đổi đáng kể: người thứ ba là Long Việt được làm thái tử,
gạt người thứ hai (Ngân/Long Tích) sang bên. Điều đáng lưu ý là kẻ tranh
chấp ngang ngửa với Long Việt lại là em, Long Đĩnh, người được sử ghi là
“trước xin làm Thái tử, vua có ý muốn cho” nhưng triều đình khuyên đừng
bỏ trưởng lập thứ nên thôi. Ưu thế đồng loạt nổi bật của hai người này
khiến ta phải xét đến nguồn gốc của họ.
Theo chứng cớ thoát ra ngoài tính chất kì thị chủng tộc của sử gia
Nho thần thì Long Việt, Long Đĩnh cũng là con của một bà phi gốc Chàm
hẳn bị bắt trong trận chiến 982. Năm sinh 983, 986 của hai người, tước
phong “Vua Cõi Nam” cho Long Việt cũng là chứng cớ phụ. Có thể còn
một người thứ ba: Nam Quốc Vương (Long) Mang (sinh 994?), hay thứ tư: