Nhưng sự bất an là ở phía nam mà bản thân gốc quyền bính phương
nam của Lê Hoàn cũng đòi hỏi phải có sự khuất phục. Ông đã phong đất
cho hai con ở vùng Thanh Hoá: Định Phiên Vương Tung ở thành Tư Doanh
và Nam Quốc Vương Mang ở châu Vũ Lung, nhưng rõ ràng họ không thể
tự lực quản trị. Ta thấy Đinh đành phải để Lê Lương tự trị, không kiểm soát
được ông quan sát sứ cha nuôi Lê Hoàn hẳn cũng có liên hệ gì với dòng họ
Lê “nuôi” ông tổ Hồ Quý Li sẽ thấy nổi lên từ đầu Lí. Tính chất tự trị của
họ mang dấu vết khu vực nhỏ là “giáp” nhưng có thực lực khá lớn, bởi vì
Lưu Kế Tông, một quản giáp liên minh đi theo Lê Hoàn đánh Chiêm năm
982 đã ở lại làm vua nơi vùng đất trống quyền hành ấy sau khi quân Việt
Hoa Lư rút lui. Nhưng rõ hơn hết là dòng họ Dương với Quản giáp Dương
Tiến Lộc. Gọi là người này được “sai đi thu thuế hai châu Hoan, Ái” nhưng
đúng là Dương nắm quyền ở đấy, có lẽ coi là quyền lợi riêng thừa hưởng từ
dòng họ nên không chịu nộp thuế cho Hoa Lư và “đem người hai châu ấy
xin về với Chiêm Thành” (989) để tìm vây cánh bên ngoài.
Tên Chiêm Thành, “thành (nước) Chiêm”, bắt đầu được sử Trung
Quốc dùng để chuyển vừa nghĩa vừa âm từ danh xưng Campapura thấy trên
bia Mĩ Sơn, phải đợi thời gian rất lâu mới đến tai sử quan Bắc. Sự khủng
hoảng của đế quốc Đường hẳn cũng góp phần vào sự hưng khởi của vương
triều Indrapura (bắt đầu khoảng 875) mà trung tâm thuộc vùng Quảng Nam
ngày nay. Họ tan rã sau cuộc khiêu khích ngoại giao (cầm tù sứ thần) khiến
Lê Hoàn đem quân giết vua, bắt người cướp của (982) khoe với sứ Tống
mà hẳn cũng với dụng ý phô bày thực lực, đe dọa chính quyền phương Bắc.
Chiến lợi phẩm làm giàu cho Hoa Lư nhưng cũng đem lại yếu tố Chiêm
trong tình hình của một kinh đô hậu thuộc địa đòi hỏi chuyển đổi, gây tranh
chấp. Hoa Lư dù chiến thắng cũng không ràng buộc được một bộ phận của
liên quân đánh Chiêm là Lưu Kế Tông. Ông quản giáp này đã ở lại chiếm
vùng đất trống, nhân Indravarman IV mất (986) liền xưng vương, sai sứ là
Lí Triều Tiên sang cống Tống, mãi đến năm 989 mới chết, vì thời gian cai
trị quá ngắn nên không đủ dựng một triều đại cho Chiêm hay Việt.