ruộng không ngăn được sự trỗi dạy của Harivarman IV. Ba châu Địa Lí, Ma
Linh, Bố Chính được Chế Củ nhường để chuộc mạng nhưng vẫn bị xâm
phạm khi Lí gặp khủng hoảng như lúc Lí Giác nổi dậy cầu cứu Chiêm
Thành (1103, 1104). Tất nhiên, vương triều Chiêm Thành dựa trên ý thức
thần quyền mượn của Ấn Độ cũng có một chừng mực tổ chức trên dưới với
Tể tướng (adhipati – “Bố để/đề” của sử Việt), có vị trí Thái tử, người kế
nghiệp (yuvaraya). Họ cũng phân bố những khu vực hành chính mà người
Tống dùng chữ Hán để ghi: “châu”, “làng”, còn bia đá thì có các từ
pramana, vijaya có vẻ như là những “tỉnh”, “khu vực.” Tổ chức hành chính
không được chặt chẽ, lại không xuyên suốt, một phần vì địa thế cắt vụn của
toàn vùng theo các lưu vực sông nhỏ khiến cho tính cách tập quyền của
Chiêm Thành không có tính bền vững, chỉ tuỳ thuộc phần lớn vào những
nhân vật chỉ huy nổi bật. Tranh chấp khiến có những phe phái thất bại chạy
qua nước khác nương nhờ như thấy trong các cuộc tranh chiếm với người
Khmer, hay được ghi trong sử Việt. Năm 1152 (
ĐVSL:
1150), hoàng thân
Ong Vangsaraja (Ung Minh Ta Điệp) liên kết với người Kiritas (miền núi),
cầu viện Đại Việt chống vua chính thức. Lí Mông được lệnh đem quân
Thanh Nghệ sang giúp bị Jaya Harivarman I (Chế Bì La Bút) đánh tan,
giương danh công trận trong hai bia nam, bắc ở Phan Rang và Mĩ Sơn,
đồng thời cũng khoe nô lệ Yavana (Việt).
Tình hình biên giới phía nam của Lí lại phức tạp hơn vì sự vươn ra
của đế quốc Angkor với vai trò lấn lướt dưới triều Suryavarman II (1113-
1150). Vị trí khởi phát của những người thành lập đế quốc Angkor là ở
trung lưu sông Mekong nên việc hướng ra biển Đông để tranh giành hưởng
lợi từ đó, cùng với mối liên hệ thương mại với nam Trung Quốc qua nước
Nam Chiếu đã gây ra những va chạm với Đại Việt. Sử Tống từng ghi
(1008) việc lái buôn Chân Lạp bị Đại Việt trục xuất chạy qua nương nhờ để
tìm đường về xứ. Lí Thần Tông mới lên ngôi, quân Chân Lạp đã tấn công
hai lần bằng cả hai đường thuỷ bộ (1128) và tiếp tục lần nữa năm 1137. Sự
xung khắc quyền lợi xảy ra vào thời điểm chứa chấp nhiều mâu thuẫn khiến
có khi Chiêm Thành liên kết với Chân Lạp đánh Đại Việt (1132), rồi đánh