ý nhiều đến các đảo ven bờ như Vân Đồn, cho đến khi chúa Nguyễn kế tục
phần đất Chiêm Thành mới mon men ra ngoài Hoàng Sa để đất được ghi
vào bản đồ của người Âu, thế mà cũng phải đợi đến triều Nguyễn mới có
dấu hiệu chiếm lĩnh. Ý thức đại dương / biển lớn đến muộn trong đầu óc
người Việt, các người cầm quyền Việt nên mới có chuyện năm 1958 Chính
phủ VNDCCH công nhân đường biên giới lãnh hải của CHND TQ.
Trước 1975, mua một tấm bản đồ Trung Quốc ở Chợ Lớn của Đài
Loan in cho học trò trung học của họ dùng thì thấy ngay cái túi Tây Sa,
Nam Sa thòng xuống sâu dưới biển Đông trong lúc VNCH có quân trấn
đóng trên ấy, cũng từng xác nhận chủ quyền mà sách vở học đường thì hờ
hững như là chuyện riêng của “ở trên” mà thôi. Và do đó khi người Pháp
yếu thế, Trung Hoa Quốc Dân Đảng mới chiếm đảo Phú Lâm (phần đông
bắc Hoàng Sa – sau về tay Hồng Quân) và Itu-Aba, đổi tên là đảo Ba Bình.
Khi Đệ nhị Cộng hoà yếu thế thì các nước chung quanh giành thêm phần
của mình như Thitu / Thị Tứ thành Pagasa của Philippin… Các chính phủ
Quốc Gia Bảo Đại và Việt Nam Cộng hòa mang tính chất kế thừa quyền
lực Pháp nên mới ra sức bảo vệ chủ quyền qua các hội nghị quốc tế, bắt đầu
từ Hội nghị San Francisco 1951, và mang quân ra đóng ở các đảo. Còn
đảng CSVN vốn theo một chủ thuyết quốc tế nhưng người lãnh đạo lại
mang đầy tâm tình, kiến thức sách vở truyền thống, lớp người xưa hơn chỉ
biết đến ông vua Hùng ở vùng Ngã Ba, thấy nơi dừng chân ở cái ải trên
đường cống sứ cũng nhận là của mình; lớp người kế cận sôi động với tiếng
gọi Nam tiến, chăm chắm nhìn vào đồng bằng Cửu Long màu mỡ, rồi theo
tình hình chiến trận nhận ra vị trí chiến lược của Tây Nguyên gợi ý một
tương lai quyền lực “Liên bang Đông Dương” làm thoả mãn cả hai lí tưởng
quốc gia lẫn quốc tế. Thế là từ câu thuộc lòng “Từ ải Nam Quan (?!) tới
mũi Cà Mau” họ không thể có tầm nhìn chiến lược lớn rộng hơn cái khung
sông núi cũ có hướng phình to ấy. Thêm với sự căm thù họ Nguyễn, không
cần biết gì đến sách vở của họ và viết về họ, nên mới có sơ hở chính trị tai
hại 1958, trong đó ý tưởng về sự đồng hành chiến đấu cho quốc tế, cho giai
cấp chỉ là một sự biện minh muộn màng. Chứng cớ “Đảng” đã thực tình