không biết Việt Nam có phần đất mịt mù ngoài biển kia là: sau 1975, người
dân Miền Nam còn thấy một bản đồ Việt Nam DCCH (ấn bản của Cục Bản
đồ 1972?) ghi tên Tây Sa và Nam Sa! Rồi cũng sau 1975 còn thấy những
sục sạo của nhà cầm quyền mới muốn vặn hỏi xem cuộc triển lãm chứng
minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa năm 1974 của nhóm chủ trương Tập
san Sử
Địa
là do ý đồ gì của “đế quốc và tay sai” nhằm chống phá Cách
mạng? Các bản đồ biển Đông xác nhận chủ quyền in ấn gần đây thật là lạc
loài trên các sách địa lí trong nước, dù là của chuyên gia khảo sát kĩ từng
khu vực, bởi vì nếu không quên luôn thì họ cũng chỉ loáng thoáng nhắc đến
những tên quần đảo hờ hững mà không ghi nổi một chút chi tiết để tỏ ra có
chút quan tâm nào. Những ồn ào về biên giới biển loáng thoáng trong báo
chí quốc nội gần đây chỉ là cái đà thuộc loại phản ứng cạnh tranh với thành
phần di tản – các nhóm này thì như đã tìm ra được một chứng cớ để giành
lại cái chính nghĩa về trách nhiệm đối với một địa vực đã vuột khỏi tầm tay
mình từ lâu.
Có nguyên nhân tạo dựng phức tạp như thế cho nên chính ba khu
vực cổ điển của nước Việt cũng mang dáng dấp khác biệt, không phải là do
riêng biệt một quyền lực nào cố ý lập nên. Tuy nhiên khung cảnh thiên
nhiên lại vẫn là điểm khởi đầu cho con người hoạt động nên các dòng sông
đã hướng dẫn con đường di chuyển Nam tiến toàn vùng Đông Nam Á lục
địa, rõ rệt trong thời có sử vì các chứng cớ được ghi lại và các kết quả hiển
hiện trước mắt. Đó là những đoàn người đi theo triền lưu vực sông Hồng,
sông Mã, sông Cả, sông Cửu Long cũng như về phía tây xa hơn, trên các
sông Chao Praya, Saluen, Irrawaddi. Và cũng như mọi sinh hoạt phức tạp
khác của loài người, hướng Nam tiến lớn rộng đã nói cũng không ngăn
được những hướng di chuyển ngắn theo các chiều khác đã gây được những
biến động lịch sử khuất lấp hay lại bị xếp vào tầm nhìn quen thuộc của
thành kiến. Khó có thể tìm ra bằng chứng cụ thể của các dòng người từ biển
đổ vào đất liền. Trong khi đó dòng di chuyển của tộc Thái về phía phủ Đô
hộ An Nam, vì phải uốn nắn theo hình thể địa lí theo các triền lưu vực nên
đã có hướng đông lẫn lộn, và gặp sự ngăn chặn từ chính quyền thuộc địa