quân lính Mông Cổ cùng quân phụ lực Đại Lí – vương quốc từng có nhiều
ông vua bỏ ngôi cạo đầu làm sãi, đã lộ ra dấu hiệu Phật Giáo của mình như:
tôn trọng chùa chiền, kính nể sư sãi – như trường hợp Sài Thung ngạo mạn
mà vẫn tiếp Trần Quốc Tuấn cạo đầu, mặc áo vải. Các sự việc tương tự có
thể gây ngạc nhiên đối với dân chúng Đại Việt cứ tưởng là phải gặp một
loại người dã man nào khác.
Trận thắng đầu đối với Mông Cổ được những trận thắng về sau
nâng tầm mức quan trọng để sử gia ngày nay không chịu nhận luận cứ sử
quan xưa về việc quân Mông không có ý chiếm đóng thực sự. Không ai
mang quân qua xứ người mà không có ý cướp lấy. Họ chỉ không lường
trước được sự khó khăn trong mục tiêu, và với khả năng của một mũi tiền
đạo xa cõi gốc nên không có đủ phương tiện thực hiện mà thôi. Sau này họ
sẽ dùng lực lượng lớn hơn nhưng Trần cũng đã lớn mạnh hơn. Và Trần với
chiến thắng nhỏ 1258 cũng coi là một khích lệ cho tinh thần quân tướng
trong tình thế khó khăn hơn:
Còn có người lính già đầu bạc,
thường hay kể chuyện đời Nguyên Phong (1251- 1258).
(dịch thơ Trần Nhân Tông).
Tuy nhiên quân Mông Cổ đã có mặt ở Vân Nam thì nhà Trần không
thể không kể đến họ. Cho nên khi Thái Tông nhường ngôi, báo ý định với
Tống và cống voi thì cũng cử Lê Phụ Trần đi sứ Mông Cổ dàn xếp yêu sách
với họ. Sự tranh chấp nội bộ của Mông Cổ để chiếm quyền lãnh đạo đã
khiến cho Trần có thời gian củng cố lực lượng chờ đón những lấn áp quân
sự thực thụ lớn mạnh.
Năm 1260, Hốt Tất Liệt xưng Đế, rồi đổi tên nước là Nguyên
(1271), coi như đã rời bỏ một phần quá khứ sa mạc để trở thành một triều
đại Trung Hoa, hành xử như một Hoàng đế theo truyền thống Hán đối với
các phiên thuộc phía đông, phía nam, thêm tính cách ngang ngược của một
lực lượng mới. Cho nên Nguyên chính thức bắt Trần nạp cống lễ ba năm