Rừng núi cản trở một phần bước chân truy bức của quân Minh tuy
lúc đầu quân nổi dậy cũng chưa thoát khỏi ý thức co rút trong vùng đất,
người quen thuộc. Sự phối hợp tính dũng cảm của quân rừng núi và kiến
thức văn minh đồng bằng đưa quân Lam Sơn vượt qua nhiều tình huống
khó khăn: kiểu “đổi áo cứu chúa” của Lê Lai, mượn thế viện trợ bên ngoài
(Trịnh Khả “biết tiếng Lào” vận động trợ giúp từ phía tây), ẩn nhẫn đầu
hàng chờ cơ hội… Điểm giải thoát đột biến là khi Nguyễn Chích, người
“ngoài nhóm” đã nghĩ ra việc đề nghị đưa quân trở về vùng mình quen biết,
xa khu vực Thanh Hoá thường dễ bị vây khổn (Chí Linh 1418, Quan Da
1422), sau khi đi sâu về phía bắc nhờ cậy quân Lào mà bị phản bội (1421),
chịu hoà hoãn mà vẫn phải trở về cái túi Lam Sơn trong tay quân địch. Từ
suy tính bứt phá đó quân tiến về phía nam (Nghệ An 1424), càng lúc càng
xa, đến gần Hà Tĩnh (1424) tiếp giáp đồng bằng, lần đầu dương danh nghĩa
toàn quốc của cuộc nổi dậy. Trên đường tiến quân, thủ lĩnh Thái Lào địa
phương bị dẹp bỏ (Cầm Bành, châu Trà Lân), buộc đầu hàng liên kết (Cầm
Quý, châu Ngọc Ma, mang tham vọng chia quyền qua Trần Cảo được dung
dưỡng trong tay). Thế quân càng lớn thì các phụ đạo Thái Lào ở biên giới
kể cả những người xa về phía bắc, càng quy phục nhiều để cầu an thân, cho
đến khi không chịu đựng được phải chống đối về sau: phụ đạo Quỳ Châu
Cầm Lạn, phụ đạo Mường Mộc (Mọc Châu) Xa Khả Tham, phụ đạo Lai
Châu Đèo Cát Hãn.
Nhưng quân tiến xuống đồng bằng thì gặp trở ngại thấy rõ của một
tình thế tác chiến mới: họ không đủ lực công phá các thành trì địch. Một
sáng kiến tiếp theo để lấy thêm nhân lực là tiến quân về phía Tân Bình,
Thuận Hoá sử dụng số dân được họ Hồ đẩy vào đó, đoàn ngũ hoá làm quân
biên cương chống Chiêm nay trở thành lực lượng chống Minh. Thế quân
Lam Sơn càng mạnh thì các nơi khác có đà nổi dậy làm rối quân Minh
thêm. Không phá được thì vây thành, tuyệt đường lương thực, chận quân
tiếp viện. Vương Thông dẫn quân chính quốc tiếp viện (1426) lại bị vây
trong thành Đông Quan, cho thấy tình thế tuyệt vọng như trong thư gửi vua
Minh: “Quân phải được như số đi đánh lúc đầu, phải được sáu, bảy viên đại