mà ý định vơ vét một khu vực mới của chính từ trung ương cũng đem lại cơ
hội cho người cầm quyền lớn nhỏ ở địa phương mạnh tay hơn. Loạn tứ
phương nổi lên từ ngay cả những người chịu đựng hợp tác, như chính ông
Lê Lợi, tuần kiểm Nga Lạc một thời, thú nhận: “Ta xưa kia gặp buổi loạn
lạc… vốn chỉ mong giữ được mạng mình thôi. (Thế mà tuy) Ta đem hết của
cải để phụng thờ chúng mong khỏi tai hoạ, nhưng tim đen chúng muốn hại
Ta vẫn không bớt chút nào…”
Đúng vậy, chuyện từ “trong làng trong xóm” làm nảy sinh một đám
cháy nhỏ nơi rừng núi Lam Sơn đã trở thành một đám cháy lớn thiêu rụi
mộng ước chiếm lĩnh thuộc địa Giao Chỉ của Minh Thành Tổ. Nhìn lại bản
văn thề Lũng Nhai với những người tham dự (tháng 2âl. 1416), ta thấy
bước đầu của tập họp Lam Sơn. Họ gồm phần lớn là người họ Lê, không
hẳn chỉ là thân tộc mà còn là lân bang, với cả dân lưu vong. Họ Lê thì như
ta thấy, có vẻ là một họ “sang” của vùng Thanh Hoá để người ta bắt chước
theo. Nhưng những lời mở đầu của Lam Sơn thực lục như một phả hệ cho
thấy tính chất di chuyển theo nơi khai thác của các ông tổ họ Lê. Chức vụ
Phụ đạo và tính chất cư dân trong vùng cho tới gần đây chứng minh họ là
nhưng người Mường đương thời. Phụ đạo Khả Lam / Lam Sơn là Mường
thì Nguyễn Thận, phụ đạo Mục Sơn (“đạo Mục”) cũng là Mường, như Lê
Lai, phụ đạo Dựng Tú, đó là những ngưòi mang dấu vết chủng tộc tại chỗ
rõ rệt nhất. Trong hội thề cũng có người gốc Thái (Phạm Võ) – họ Phạm
vốn là chuyển âm của Khằm/Cầm như chứng tỏ ở bia công thần Khằm Ban
chủ Mường Ca Da (Hồi Xuân, Quan Hoá) có tên con đã là Phạm Ngọc
Chúc. Họ Trịnh có nguyên gốc từ tên địa điểm trung tâm của một tập họp
Thái “chiềng”, chứng cớ chuyển tiếp có khá nhiều trong Toàn thư.
Ngay
trong sự phân biệt hai họ này ta cũng thấy họ Trịnh có vẻ “cũ/Việt” hơn, họ
Phạm có vẻ “mới/Lào” hơn. Tâp họp Lam Sơn mang tính hỗn hợp Mường
Thái chứng tỏ trong liên hệ hôn nhân: mẹ Lê Lợi họ Trịnh, vợ ông cũng họ
Trịnh, và họ Phạm. Ngày sau, xa cả sau khi Lê đổ, Phạm Đình Hổ còn biết
trong lễ tế ở Lam Kinh có xướng bằng tiếng Thái chứng tỏ người ta đã
không quên tổ.