CHƯƠNG IV: CON ĐƯỜNG ĐƯA
ĐẾN ĐỘC LẬP
Thân phận chìm nổi theo đế quốc Tuỳ Đường
Nhà Tuỳ tuy có đời sống ngắn ngủi (29 năm, 589-618) nhưng đã mở
đầu cho sự thống nhất của Trung Quốc sau những thế kỉ phân li nên lực
lượng tràn bờ của họ khi tái chiếm thuộc địa phương nam đã đặt lại nền
tảng cai trị vững chắc, làm đà cho nhà Đường lâu dài tiếp theo, ảnh hưởng
sâu đậm đến tương lai mảnh đất này từ trong tình trạng li khai tiến đến cơ
hội độc lập.
An ninh của Giao Châu được vững vàng còn nhờ sức đàn áp của
quân Tuỳ lên đất Lâm Ấp, nơi này cũng từng hưởng được những giai đoạn
yên ổn để phát triển có khi đi đến độ tràn lấn ra phía bắc dẫn đến những
phản ứng của chính quyền thuộc địa như đã thấy. Tiếng đồn Lâm Ấp có
nhiều của báu lạ đến tai triều đình, vua Tùy liền sai Lưu Phương vươn trách
nhiệm về phía nam hơn với chức vụ Hoan Châu đạo Hành quân Tổng quản
để “kinh lược” / đi đánh Lâm Ấp. Họ không biết rằng từ cuối thế kỉ VI,
nước này đã có tên Champa khắc trên bia đá Mĩ Sơn ghi việc đời
Sambhuvarman mà tên Hán là Phạm Phạn Chí / Phạm Chí, và tên nước sẽ
được xác nhận thêm trên bia Chân Lạp (668). Trong lúc đó thì những tập
họp xa về phía nam cũng đã tổ chức thành vùng lãnh địa nhưng vì cùng
chung hệ thống văn hoá nên các lãnh chúa ở đấy cũng đến xây dựng đền
tháp ở Mĩ Sơn và lúc hưng thịnh cũng xưng mình là vua toàn cõi Champa.
Do sự tiếp xúc lan xa nên lần đầu tiên Cựu Đường thư cho thấy có người
mang dáng như dân Thượng ngày nay, hiện diện ở triều đình Tràng An: