lại lấy hậu cứ nơi người “Man Lạo,” chống cự đến cả mười năm trời.
Thanh cũng được ghi là dòng dõi thứ sử châu Hoan. Tù trưởng Man làm
chức quan lớn ở triều Đường không phải là điều lạ nữa, kể cả việc có người
lên gần đến tột đỉnh quyền hành. Đó là Đỗ Anh Sách, Phó Đô hộ đời
Đường Đức Tông (780-804). Lại cũng là thời gian có biến động Phùng
Hưng nên không thể không liên tưởng đến người có tên họ gần giống: Đỗ
Anh Hàn.
Ở đây lại có chứng cứ quan trọng là các nhân vật này đúng là dân
bản thổ. Lê Tắc (An Nam chí lược)
thuật chuyện Phạm Đình Chi và Đỗ
Anh Sách (Phó Đô hộ) là những nhân vật giàu mạnh ở địa phương “khe
động,” nhưng đối với Kinh lược sứ An Nam Bùi Hành Lập làm việc kiểm
soát hành vi quan chức dưới quyền thì những người này chỉ là loại “bọ
thuộc” trong tầm tay sinh sát. Trong khi Đỗ Anh Sách tuân thủ luật lệ thì
Phạm Đình Chi cứ buông thả theo cuộc sống của mình, của tập đoàn mình,
theo một phong tục địa phương mà quan Kinh lược không hiểu được: “tắm
lâu chẳng về.” “Tắm” ở đây rõ ràng không phải công việc làm sạch thân thể
thường ngày mà đúng là một hành vi văn hoá, một nghi lễ Rửa sạch tội lỗi
như ta còn thấy trên sông Hằng, của dân Rađê đất Ban Mê Thuộc gần đây,
hay nằm trong du kí của Châu Đạt Quan ghi vào thế kỉ XIII ở Chân Lạp, và
cả ở đàng sau câu nói ngày nay tưởng là để đùa bỡn: “Có tội lội xuống sông
hết tội.” Đáng lưu ý thêm nữa là khi quan Kinh lược đánh chết người phạm
tội thì cho trả thây về bộ tộc và bảo chọn người khác thay thế,
có nghĩa là
vai trò của người bản thổ trong guồng máy cai trị không thể mất đi chỉ vì
một người trong bọn lầm lỗi. Vậy là thủ lĩnh bản xứ, địa phương của
Đường tuy vẫn còn ở địa vị phụ thuộc nhưng đã được phép tập luyện cầm
quyền theo cung cách như những quan lại từ xa đưa tới.
Cả một hệ thống người nằm ngoài hay trong chính quyền thuộc địa
như thế, đã khiến cho phủ Đô hộ An Nam có đủ người địa phương để tự
quản một khi chính quyền trung ương suy yếu. Đó là điều sẽ xảy ra trong
các thế kỉ tiếp theo.