dịch từ tên đã ghi vào bia đá, thay cho Hoàn Vương. Nhưng mối lo của
thuộc địa An Nam lại đến từ phía tây bắc.
Nam Chiếu, như tên gọi, là bộ phận phía nam của những tập họp
thiểu số vùng tây nam Trung Quốc mang danh xưng người cầm đầu tổ
chức, gọi theo phiên âm Hán Việt là “chiếu”, như sau này ta gặp những
“chiêu”, “chậu”, “chao” trên vùng Lào Thái. Đây là dấu vết đầu tiên trong
dòng sử Việt về sự xuất hiện của dòng tộc Thái xuôi nam trên bán đảo
Đông Dương, tuy bị chận đứng bởi Cao Biền nhưng rồi sẽ âm thầm mà bền
bỉ xuất hiện trong thời gian nối tiếp cho đến khi thành công trong lịch sử
Việt. Trong phát triển bành trướng, Nam Chiếu đặt cả một chức vụ “Thác
đông” nhắm vào Giao Châu / An Nam. Thành Thác Đông (nay là Côn
Minh) được xây năm 765, đổi tên năm 781, cuối cùng trở thành Thượng
Đô, Đông Kinh, thủ phủ của Nam Chiếu. Từ năm 846, Kinh lược sứ Bùi
Nguyên Hựu đã phải chống đánh Nam Chiếu tràn xuống. Nguồn nguyên
liệu muối mà vùng biển giữ độc quyền khiến Đô hộ Lí Trác (khoảng 847-
859) chèn ép các bộ tộc thượng du buôn ngựa liên vùng từ Chân Lạp, khiến
họ phải cầu cứu Nam Chiếu. Bên trong Trác lại giết Đỗ Tồn Thành, tù
trưởng địa phương, thứ sử châu Ái (chắc lúc này đã già lắm vì từng hiện
diện với chức chưởng trên năm 798). Trác lại bỏ ngỏ phòng thủ phía tây
nên Lí Do Dộc ở đấy cô thế phải hàng Nam Chiếu. Từ đó là sự lấn chiếm
liên miên của Nam Chiếu trùng hợp với những rối loạn bên trong phủ Đô
hộ vì cách xử trí vụng về của quan chức cùng những mối mâu thuẫn giữa
các cá nhân. Năm 858, loạn dân với 30000 người họ Đỗ vây thành, hẳn là
vì cớ Đỗ Tồn Thành bị giết, cho nên hai năm sau, Đô hộ Lí Hộ lại giết Đỗ
Thủ Trừng, con Thành. Nhà Đường phải phục hồi danh vị cho Thành, xin
lỗi họ Đỗ nhưng vẫn không yên. Chiến dịch chống Nam Chiếu khiến
Đường tổn thất đến hàng trăm ngàn quân mà La Thành vẫn bị vây, bị chiếm
(863). Triều đình lục đục, Đường phải đặt cơ quan quản trị bên ngoài phủ
Đô hộ, điều khiển từ xa, còn trong dân chúng thì nổi lên một phong trào
“phản chiến” trên phần đất của trung ương, với bài thơ của Bì Nhật Hưu kết
tội Lí Trác, tố cáo sự bất lực của các quan triều.