những triều đại yếu kém kế nghiệp Đường mà người ta gọi là thời Ngũ Đại
(907-960): Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, hay là
thời Thập Quốc trong đó nước Nam Hán có liên hệ nhiều đến An Nam /
Giao Châu trong việc tranh giành quyền lực nơi này.
Liên hệ với biến động Hoàng Sào, dân phủ An Nam nổi dậy đuổi
Tăng Cổn bỏ chạy để trống quyền hành trung ương ở thuộc địa. Sau đó
cũng có dấu vết những người được phái tới nhưng họ đã không có mặt ở
nhiệm sở hay chỉ giữ chức vụ một cách thoảng qua. Cho đến khi nhà
Đường mất (907), nhà Lương lên thay thì danh vị Tiết độ sứ quân Tĩnh Hải,
nghĩa là trên đất An Nam, tuy được Lương trao cho Lưu Ẩn nhưng đồng
thời ngay trên đất này cũng đã xuất hiện một tập họp quyền hành dưới tay
họ Khúc ở địa phương: Khúc Thừa Dụ (+907), Khúc Hạo (+908), Khúc
Thừa Mĩ cũng tự xưng là Tiết độ sứ. Tiếp theo những biến động tranh giành
quyền lực, họ Lưu thành lập nước Nam Hán riêng (917) với vua mang tên
cuối cùng là Lưu Cung, sai tướng đem quân đánh bắt Khúc Thừa Mĩ (930),
chiếm giữ An Nam.
Những ghi chép mù mờ đương thời như thế cho thấy việc họ Khúc
chiếm quyền ở An Nam không đưa đến xáo trộn lớn, chỉ là do sự trống
vắng quyền lực nơi này đã khiến một tập họp hào trưởng trong vùng đồng
bằng lên thay thế mà không gặp trở ngại nhiều. Họ chỉ là người tại chỗ, tiện
đường đi chiếm phủ thành Đại La gần gũi, và do đó được mang danh vị đại
diện toàn thể. Điều đó cũng chứng tỏ sự yếu ớt của họ Khúc này – yếu ớt tỏ
lộ trong sự đối đầu với lực lượng bên ngoài, với quân nhà Nam Hán khi họ
đến đánh bắt. Rồi cũng liên tiếp với sự trống vắng về trước kia mà nhà
Nam Hán vẫn phải chịu buông lỏng cho các thế lực địa phương khác nắm
giữ được lực lượng riêng chống lại, trong đó có các họ Kiều/Kiểu, họ Ngô
bên lề trung châu và nhất là họ Dương ở Ái Châu. Sự tan rã của phủ Đô hộ
An Nam làm phân tán quyền lực ra thành những vùng nhỏ, có thể xuống
đến cả những đơn vị tập họp làng xã theo như cách nói của chúng ta ngày
nay. Do đó chúng ta cũng không lấy làm lạ về sự xuất hiện bất chợt của
những con người lịch sử mà chúng ta không tìm ra được cội nguồn chủng