là quân Hoằng Tháo thảm bại, không kịp cho ông hoàng tử mang tước hiệu
Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ đạt thành mộng làm Giao (Châu) Vương của chúa
Nam Hán Lưu Cung (938). Ngô Quyền xưng vương, phủ Đô hộ trở thành
nước Đô Hộ, thêm một bước dứt khoát đi đến độc lập.
Chiếm giữ Đại La xong, Ngô Quyền không đóng đô nơi phủ trị cũ
mà lại tìm một vị trí bên lề để canh chừng. Tại sao? Vì còn tự ti thấy mình
chưa đủ sức thay thế chủ cũ? Vì cái thế Đại La trống trải trong tầm sông
nước dễ dàng cho sự xâm lấn của Nam Hán so với Cổ Loa khuất lấp hơn
một ít mà vẫn còn có ngôi thành Kén của Mã Viện làm thế đương cự? Dù
sao thì sự từ chối Đại La cũng là một dấu vết co cụm để tính chất địa
phương nổi lên không những chỉ trong gia đình ông mà còn thấy trong cách
ứng xử của các tập đoàn quyền lực khác ở phủ Đô hộ cũ nữa. Các sứ quân
thế là vẫn hiện diện trước khi có danh xưng này của các sử quan ghép vào
thời gian cuối triều đại.
Cách xếp đặt kỉ cương cho guồng máy cai trị không cho ta thấy điều
gì riêng biệt trừ tên bà Dương Hậu liên kết với danh vị của người anh:
Dương Tam Kha (Cậu/Bác Ba họ Dương) giải thích những biến động về
sau, liên hệ đến truyền thống gia đình đương thời. Ông mất đi năm 944, để
người anh vợ theo thói tục của gia đình mẫu hệ, toàn quyền lựa chọn người
kế nghiệp là Ngô Xương Văn trong số năm anh em cùng mẹ. Tất nhiên là
với mối sinh hoạt phụ hệ Trung Quốc cũng đã thành nếp ở phủ Đô hộ,
người con lớn là Ngô Xương Ngập không chịu thiệt thòi nên xảy ra tranh
giành để ta thấy nổi lên những lãnh chúa của phủ Đô hộ tan rã chen vào can
thiệp và sẽ là những sứ quân của đời sau. Đó là Phạm Phòng Át chứa chấp
Ngô Xương Ngập, Đỗ Cảnh Thạc và một người họ Dương khác, Dương
Cát Lợi, gắn bó với Xương Văn, lật đổ Dương “Chủ tướng,” thu thập
Xương Ngập. Đó là những người nổi loạn ở hai thôn Đường, Nguyễn làm
chết Xương Văn (965), người cuối cùng của họ Ngô đủ sức cầm binh tướng
cho có một giả định quyền hành của triều đại. Loạn “Mười hai sứ quân” bắt
đầu.