Vừa qua, ban giám hiệu và chi đòan nhà trường liên hệ với nông trường Lê Minh Xuân mua
được mấy trăm cây bạch đàn con, chuẩn bị phát động phong trào trồng cây trong nhà
trường.
Sáng nay, thứ hai đầu tuần, sau khi sinh hoạt lớp mười lăm phút, thầy Dân kêu tổ một và tổ
hai lên văn phòng nhận cây về trồng. Các tổ còn lại thì lên nhà kho mượn cuốc về đào lỗ lên
miếng đất trống phía sau lớp, chuẩn bị hạ cây xuống.
Chúng tôi vừa hò reo vừa túa ra ngoài, ba chân bốn cẳng chạy đi tim` dì Ba . Dì Ba là người
trông kho dụng cụ lao động của trường, trong đó chất đầy những cuốc, xẻng, xà beng, thùng
đổ rác, xô xách nước... Dì tính tình cởi mở, dễ gần, sẵn sàng cho chúng tôi mượn bất cứ dụng
cụ cần thiết nào vào bất kỳ lúc nào . Nhưng ngược lại, dì rất nghiêm khắc trong chuyện bảo
quản. Lớp nào trực quét sân trường mà trả thiếu một cây chổi thôi là đã chết với dì. Dì báo
ban giám hiệu, báo giáo viên chủ nhiệm truy ra cho bằng được. Đứa nào làm mất thì phải
đền.
Không tìm ra kẻ làm mất thì lớp phải trích quỹ ra mua chổi mới . Mượn xẻng, khi trả, xẻng
phải sạch. Đứa nào làm biếng, không chịu rửa xẻng trước khi mang tới kho, không bao giờ
dì nhận. Tôi từng là nạn nhân của dì, mỗi lần nghĩ lại còn thấy mắc cỡ. Nhưng trong chúng
tôi không đứa nào giận dì lâu . Bởi vì, đứa nào cũng thấy nhờ vậy mà kho dụng cụ trường tôi
luôn luôn đầy đủ, cần gì có nấy .
Thầy Dân kêu chúng tôi đào mười hàng, mỗi hàng năm lỗ. Tôi đào cái lỗ của tôi ở chính giữa
lô đất, hy vọng rằng nếu có gió bão hoặc có gà vịt hay học sinh buổi chiều chạy ngang thì
những hàng cây phía ngoài bị gãy, còn cái cây của tôi sẽ chẳng hề gì.
Khi tổ một và tổ hai đem cây con về, thầy Dân hướng dẫn chúng tôi cách rọc bao ni-lông bọc
ngoài sao cho khỏi rớt lớp đất bám chung quanh rễ. Tôi giành lấy một trong những cây tốt
nhất đem đặt vào lỗ của mình. Thằng Chí bép xép ở tổ hai chạy theo, cự:
- Cây này tao xí phần rồi ! Chính tay tao đem từ văn phòng về !
Tôi gạt phắt:
- Kệ mày ! Đứa nào nhanh tay đứa đó lấy !