2
Quân Đức đã chiếm chỗ ở cho chúng và đang làm quen với thị trấn. Bọn
sĩ quan đi một mình hay đi thành từng cặp, đầu ngẩng rất cao, bốt nện vang
trến đường; binh lính tụ tập thành những nhóm vô công rồi nghề lê la từ
đâu này đến đâu kia của con phố duy nhất hoặc chen chúc nhau trên quảng
trường, cạnh cây thánh giá cũ. Khi một tên trong bọn dừng lại, cả toán làm
theo và một dãy dài những bộ quân phục xanh lá cây chắn ngang lối đi của
các nông dân. Thế là những người này kéo sụp mũ trên đầu xuống thấp
hơn, quay đi và, không làm bộ làm tịch gì, đi ra đồng qua những con hẻm
nhỏ ngoằn ngoèo mất hút giữa đồng quê. Viên cảnh sát xã, dưới sự giám sát
của hai hạ sĩ quan, dán những tấm áp phích lên tường của các tòa nhà
chính. Những tấm áp phích này có đủ loại: một số tấm có hình một quân
nhân Đức tóc màu sáng, cười ngoác miệng để lộ ra hàm răng hoàn hảo,
xung quanh hắn là những đứa trẻ Pháp được hắn cho ăn những lát bánh mì
phết. Dòng phụ đề viết: “Hỡi dân chúng bị bỏ rơi, hãy tin tưởng vào binh
lính Đức!” Những tấm khác, bằng hình biếm họa hay biểu đồ, minh họa sự
đô hộ của người Anh trên thế giới và sự chuyên quyền đáng ghét của người
Do Thái. Nhưng phần lớn các tấm đều bắt đầu bằng chữ Verboten - “Cấm”,
cấm đi lại
ngoài phố từ chín giờ tối đến năm giờ sáng, cấm giữ súng trong
nhà, cấm “chứa chấp hay giúp đỡ” những tù binh vượt ngục, những người
mang quốc tịch các nước thù địch với Đức, các quân nhân Anh, cấm nghe
đài ngoại quốc, cấm từ chối tiền Đức. Và, dưới mỗi ấp phích, người ta lại
thấy cùng một lời cảnh cáo viết bằng chữ đen, được gạch chân hai lần: “Sai
lệnh sẽ bị tử hình”.
Trong lúc đó, vì lễ nhà thờ đã kết thúc, những người buôn bán đang mở
cửa hàng. Vào mùa xuân năm 1941, ở tỉnh lẻ, hàng hóa còn chưa thiếu
thốn: người dân đã dự trữ vải vóc, giày dép, lương thực thực phẩm nhiều
đến nỗi họ khá sẵn sàng đem bán chúng. Bọn Đức không khó tính: người ta
có thể tống cho bọn chúng tất cả hàng hóa ế thừa, những chiếc áo nịt của