6. Hãy tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát và gạt bỏ những vấn
đề bạn không làm gì được.
7. Hãy linh hoạt hơn về thời gian tiếp cận khách hàng – các quy luật về
thời điểm tốt nhất để gọi điện trong ngày có thể làm bạn phí phạm thời gian
quý báu.
Hãy chủ động trong một thế giới bị động
Trong một thế giới đầy áp lực và lúc nào cũng lo lắng, người ta rất dễ trở
nên bị động – phản ứng một cách nóng nảy với mọi vấn đề mà không dành
thời gian phân biệt đâu là vấn đề khẩn cấp và đâu là vấn đề quan trọng. Khi
chúng ta luôn ở vào thế bị động, chẳng bao lâu sau chúng ta sẽ trở nên nóng
nảy. Nếu lúc nào chúng ta cũng làm việc một cách nóng nảy, chúng ta sẽ
mất thời gian. May mắn thay, chúng ta có phương thuốc để chữa bệnh này:
chủ động làm mọi việc chậm lại và đưa chúng vào tầm kiểm soát.
Hai loại đà làm việc: Chủ động và bị động
Là người hướng dẫn, tôi bỏ ra rất nhiều thời gian để quan sát xem đội
ngũ bán hàng làm việc như thế nào, quan sát xem đà bán hàng của họ là gì.
Tôi nhận thấy rằng dù môi trường hay cơ cấu làm việc của họ là gì thì cũng
chỉ có hai loại đà làm việc: chủ động và bị động. Và thời gian bạn dành cho
mỗi loại đà làm việc sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả bán hàng của bạn.
Vài số liệu thống kê cho thấy trung bình mỗi nhân viên bán hàng chỉ thật
sự bán hàng 90 phút mỗi ngày vì họ sử dụng hầu hết thời gian của mình vào
các công việc rất bị động: những công việc không tạo ra được doanh thu.
Một bài nghiên cứu năm 2008 do Yankee Group thực hiện cho thấy giới
bán hàng chỉ sử dụng 26% thời gian trong ngày cho công việc bán hàng. Vì
thế khi tôi đào tạo nhân viên bán hàng, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để
bàn về sự khác biệt giữa các công việc chủ động và bị động.