nghe đài quay tay, mỗi nhà một chiếc. Chúng cháu lẽ ra phải vặn dây
cót để nghe Tin thế giới từ BBC, nhưng chị Nkiruka lại chuyển đài nhà
cháu sang kênh âm nhạc Port Harcourt. Bọn cháu thường tranh nhau
chiếc hộp bé xíu đó vì cháu thích nghe tin tức và thời sự. Nhưng giờ
đây khi đang nấp trong rừng sau bãi biển, cháu chỉ ước gì mình đã
không bao giờ tranh giành với chị. Nkiruka yêu âm nhạc và giờ đây
cháu thấy chị ấy đã đúng, vì cuộc sống cực kì ngắn ngủi và ta không
thể nhảy nhót theo tiếng tin thời sự được. Đó là khi cháu bật khóc.
Cháu không khóc khi chúng giết chị cháu nhưng cháu đã khóc khi nghe
tiếng nhạc vọng ra từ xe tải của những người lính, vì cháu đã nghĩ, Đây
là bài hát yêu thích của chị mình và chị ấy sẽ không bao giờ được nghe
nó nữa. Cô nghĩ cháu có điên không, cô Sarah?”
Sarah lắc đầu. Cô đang gặm móng tay.
“Mọi người trong làng cháu đều thích U2,” tôi nói tiếp. “Có lẽ là mọi
người ở đất nước cháu. Chẳng buồn cười sao, nếu những kẻ nổi loạn
tranh giành dầu mỏ mở U2 tại các lán trại trong rừng của chúng, còn
binh lính của chính phủ đang mở U2 trong xe tải của họ. Cháu nghĩ
mọi người đang giết chóc lẫn nhau trong khi cùng nghe một loại nhạc.
Cô biết gì không? Tuần đầu tiên cháu ở trong trại giam, U2 cũng là ban
nhạc số một ở đấy. Đó là một trò đùa trớ trêu của cuộc đời, cô Sarah ạ.
Chẳng ai thích nhau, nhưng mọi người đều thích U2.”
Sarah vặn vẹo tay trên bàn. Cô nhìn tôi. “Cháu kể tiếp được chứ?”
Cô hỏi. “Cháu kể cho cô nghe cháu đã trốn thoát thế nào?”
Tôi thở dài. “Thôi được,” tôi nói. “Những người lính nhịp nhịp chân
theo tiếng nhạc. Họ lăn xác chết lên một tấm vải. Họ túm tấm vải ở bốn
góc rồi nhấc nó lên xe tải. Cháu nghĩ mình nên chạy ra nhờ họ giúp.
Nhưng cháu rất sợ, vì thế cháu ở yên. Những người lính lái xe quay lại
hướng bãi biển, và rồi không gian lại chìm vào tĩnh lặng. Đến lúc mặt
trời lặn, cháu nghĩ mình không muốn đi đến khuôn viên khách sạn nữa.
Cháu quá sợ những người lính, nên cháu đi theo hướng ngược lại.