giữa một phóng viên và một chủ nhiệm chương trình không hẳn là như vậy.
Chính thức thì một chủ nhiệm chương trình ở hiện trường như Rita Abrams
là người chịu trách nhiệm của toàn bộ đội quay, kể cả phóng viên, và nếu
có điều gì sai sót trong khi làm nhiệm vụ thì người bị khiển trách là chủ
nhiệm chương trình. Nếu mọi việc tốt đẹp, tất nhiên người phóng viên xuất
hiện trong tin truyền hình sẽ được ca ngợi, mặc dù người chủ nhiệm
chương trình rõ ràng đã có công giúp hình thành câu chuyện và góp ý vào
phần lời.
Tuy nhiên, trong trường hợp của một phóng viên “có cỡ” dày kinh nghiệm
như Harry Partridge sự thể lại khác. Phóng viên có thể dành quyền điều
khiển và chủ nhiệm phải chịu nhún và đôi khi phải hoàn toàn nghe theo.
Nhưng khi Partridge và Rita làm việc với nhau, cả hai người chẳng để ý
đến chuyện ai chỉ huy ai. Đơn thuần là họ chỉ muốn đưa về những bản tin
hoàn hảo mà cả hai cùng lao vào làm.
Trong khi Rita vội vã đi về phía trạm điện thoại công cộng, Partridge, Minh
và O’Hara nhanh chóng chạy về phía cửa 19, tìm lối ra sân bay phía dưới.
Graham Broderick tỉnh rượu ngay trước chuyện đang xảy ra và theo sát sau
họ.
Gần cổng có một bảng hiệu:
ĐƯỜNG RA MÁY BAY – KHU VỰC CẤM.
CHỈ DÙNG TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP CHUÔNG BÁO
ĐỘNG SẼ REO.
Không một nhân viên nào có mặt ở đó. Không do dự, Partridge đẩy cửa
bước vào, cả bọn đi theo anh. Trong khi họ vội vã xuống cầu thang bằng
kim loại, tiếng chuông báo động kêu dồn dập sau lưng. Họ phớt lờ và bước
ra ngoài.
Bây giờ là lúc bận rộn nhất, đường băng đặc kín máy bay đỗ và xe hàng
không. Thình lình một chiếc xe thùng hiện ra, phóng rất nhanh trên nó có
đèn hiệu nhấp nháy. Bánh xe rít lên khi nó phanh lại ở cửa số 19.
Minh đứng gần nhất, mở cửa và nhảy vào bên trong. Sau anh, những người
khác cũng nhảy lên theo. Người lái xe, một anh chàng da đen trẻ, mảnh
khảnh trong bộ quần áo chuyên ngành màu nâu nhạt, rồ máy phóng vọt đi.