bên trái trong hai đường băng chạy song song. Cũng như tại tất cả những
sân bay khác, bảng hiệu này được viết bằng chữ màu trắng lớn trên mặt của
đường băng.
Vẫn đang phóng rất nhanh, Vernon giải thích: “Khi có phi công gặp nạn,
phải chọn đường băng mà anh ta muốn ở sân bay này, thường là đường
băng số 17 bên trái. Đường này rộng 200 fut và gần với đội cứu trợ nhất”.
Chiếc xe đỗ lại trên đường máy bay ra, nối với đường 17L và ở đây nhìn
thẩy rõ máy bay tới và hạ cánh.
“Đây sẽ là vị trí chỉ huy hiện trường” – Vernon nói.
Xe cứu thương vẫn tiếp tục đến, một số đỗ chung quanh họ. Từ phía trạm
cứu hoả của sân bay có bảy chiếc xe màu vàng, bốn chiếc Oshkosh M15
phun bọt khổng lồ, một chiếc xe thang và hai chiếc xe cứu trợ khẩn cấp nhỏ
hơn. Hai chiếc xe phun bọt được đặt trên những bánh xe cao gần sáu fut, có
hai máy nén, một phía trước và một phía sau, với những vòi phun áp suất
cao, trông giống như những trạm cứu hoả di động. Chiếc xe cứu trợ khẩn
cấp, tốc độ cao và cơ động nhanh, được thiết kế để áp sát nhanh chóng vào
máy bay đang bị cháy.
Nhiều nhân viên cảnh sát chui từ trong nửa tá xe cảnh sát màu xanh vạch
trắng ra. Họ mở thùng xe, kéo ra những bộ quần áo cứu hoả ánh bạc, và
mặc vào người. Cảnh sát hàng không được đồng thời huấn luyện làm nhân
viên cứu hoả, - Vernon giải thích như vậy. Máy điện đàm của an ninh hàng
không trên chiếc xe thùng phát ra hàng loạt mệnh lệnh.
Những cỗ xe cứu hoả, dưới sự chỉ huy của một viên trung uý ngồi trong
chiếc xe mui kín màu vàng đang chiếm những vị trí cách quãng nhau dọc
đường băng. Xe cứu thương được điều từ khắp các vùng lân cận vẫn đang
đỗ về tập trung tại sân bay, nhưng cách đường băng một quãng khá xa.
Partridge là người đâu tiên nhảy ra khỏi xe và đứng ngay cạnh nó hý hoáy
ghi chép. Broderick chậm hơn một chút cũng đang làm như vậy. Minh Văn
Cảnh đã leo lên nóc xe, máy quay sẵn sàng trong tay, đưa mắt quan sát bầu
trời về hướng bắc. Sau lưng anh là Ken O’Hara, dây nhợ lằng nhằng cùng
máy ghi âm.
Hầu như ngay lúc đó, chiếc máy bay xuất hiện cách sân bay chừng năm