trời.
Tuy vậy, lần nào anh cũng trở về với những bản tin đầy ấn tượng và sau
chiến tranh người ta vẫn còn nhớ một số bài của anh vì tính sâu sắc của nó.
Không một người nào, kể cả Crawford Sloane, lại tỏ ý nghi ngờ Partridge
không phải là một nhà báo kiệt xuất.
Chỉ có điều số lượng bài của Partridge ít hơn, anh cũng ít xuất hiện hơn
Sloane trên màn ảnh, do đó anh không được người ta chú ý như Sloane.
Một nhân tố khác ở Việt Nam đã ảnh hưởng tới tương lai của Partridge và
Sloane. Đó là Jessica Castillo.
Jessica…
* * *
Crawford Sloane vừa suy nghĩ, vừa phóng xe trên con đường mà ngày nào
anh cũng thường qua lại hai lần. Anh rẽ khỏi phố Năm mươi chín để sang
đại lộ York. Đi một quãng anh ngoặt sang phải để vào đoạn vòng FDR về
phía bắc. Một lúc sau, dọc bờ sông Đông và không còn bị những ngã tư và
đèn hiệu cản trở, anh nhấn ga tăng tốc độ. Từ đây đến nhà anh ở Larchmont
thuộc vùng Long Island Sound phía bắc thành phố còn phải đi mất nửa giờ
nữa.
Phía sau anh, một chiếc xe Ford Tempo màu xanh cũng tăng tốc độ.
Sloane lòng thanh thản, như anh thường cảm thấy vào thời điểm này trong
ngày, giờ đây dòng suy nghĩ của anh quay về với Jessica, cô gái mà khi còn
ở Sài Gòn đã từng là người yêu của Partridge, nhưng sau rồi lại lấy
Crawford Sloane.
* * *
Ngày đó tại Việt Nam, Jessica hai mươi sáu tuổi, nàng thanh mảnh, có mái
tóc nâu buông dài, thông minh và khá đanh đá. Cô nhân viên trẻ của Phòng