NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO
NHIẾP ẢNH
C
ũng như các sự nghiệp được phóng đại nhanh chóng khác, nhiếp ảnh đã
thôi thúc những người hành nghề hàng đầu của nó phải lên tiếng giải thích,
nói đi nói lại, về việc họ đang làm là việc gì và tại sao nó lại có giá trị. Thời
kỳ nhiếp ảnh bị tấn công rộng khắp (vì tội giết người thân của mình là hội
họa, tội săn đuổi và trục lợi mọi người) chỉ là một thời kỳ ngắn ngủi. Hội
họa tất nhiên đã không hết thời trong năm 1839 như một họa sĩ Pháp từng
vội vàng tiên đoán; những người cầu kỳ kỹ tính chẳng mấy chốc cũng đã
thôi không gạt bỏ nhiếp ảnh như một nghề sao chép mạt hạng nữa; và đến
1854 thì một họa sĩ vĩ đại, Delacroix, còn duyên dáng tuyên bố rằng ông vô
cùng tiếc vì một phát minh đáng khâm phục như thế mà lại muộn mằn như
thế. Giờ đây, không có gì dễ chấp nhận hơn việc nhiếp ảnh tái chế hiện
thực, dễ chấp nhận như một hoạt động thường nhật và như một ngành nghệ
thuật cao cấp. Vậy mà có cái gì đó về nhiếp ảnh vẫn khiến cho các nhà
chuyên nghiệp hạng nhất của nó luôn giữ thái độ phòng vệ và cổ động: gần
như tất cả các nhà nhiếp ảnh quan trọng, cho đến tận hôm nay, đều đã viết
ra các tuyên ngôn và tín điều bày tỏ sứ mệnh đạo lý và thẩm mỹ của nhiếp
ảnh. Mà các nhà nhiếp ảnh lại đưa ra những câu chuyện mâu thuẫn nhất về
những gì họ biết, và về chính loại hình nghệ thuật mà họ đang thực hành.
Việc chụp ảnh quá dễ đến mức người ta thấy bối rối, rồi cái uy quyền tất
yếu, thậm chí tình cờ của máy ảnh đối với mọi kết quả của công việc, khiến
cho mối quan hệ giữa nhiếp ảnh và hiểu biết có vẻ rất mong manh. Không
ai phủ nhận việc nhiếp ảnh đã tăng cường khả năng nhận thức của mắt
nhìn, vì – thông qua khả năng nhìn rất gần và rất xa – nó đã khai mở rất