đại chúng đến thế, tại sao nhiều bà mẹ ở ta dỗ con nhỏ ăn bằng cách cho
chúng xem video quay các đoạn quảng cáo trên truyền hình, và ở ta có tờ
tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm,
thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về việc dịch, chúng tôi muốn bộc bạch đôi điều.
Mặc dù sách này dày đặc những dẫn chứng của tác giả, chúng tôi quyết
định không tự ý chú giải và lựa chọn ảnh minh họa, mà giữ nguyên tiếng
ngoại quốc của tên người và tác phẩm (hầu hết là tiếng Anh và tiếng Pháp)
để bạn đọc có thể Google tìm hiểu trên mạng, vì ba lý do sau: Thứ nhất,
chúng tôi không giả định bạn đọc chưa biết gì về những chuyện ấy. Thứ
hai, chúng tôi ngại bạn đọc có thể bị cuốn hút vào những minh họa và chú
giải không thể không nhuốm màu thiên kiến của người dịch, lại thành tổn
hại đến nguyên tác. Và cuối cùng, vì tiếng Anh và Internet đã đang rất
thông dụng ở ta, chúng tôi nghĩ việc để bạn đọc tự tìm hiểu thêm cũng
khích lệ việc trau dồi ngoại ngữ và tự học. Sách dịch, dù có hay đến mấy,
cũng vẫn là diễn giải của người dịch.
Chúng tôi giữ nguyên lối hành văn trực tiếp từ dòng suy nghĩ của Sontag:
những câu rất dài, nhiều mệnh đề phụ trong cũng như ngoài ngoặc đơn –
một diễn đạt của tư duy lập luận và phân tích; và ngạc nhiên thấy tiếng Việt
vẫn hoàn toàn vững chãi và trong sáng với cấu trúc ngoại lai này. Trong
dòng chảy tư duy miên man trầm tĩnh và đậm đặc tư liệu ấy, thi thoảng ta
bắt gặp những vỡ nhẽ đầy cảm xúc và hình ảnh, như những viên ngọc lấp
lánh. Những vỡ nhẽ của một người nặng lòng với nhân tình và nghệ thuật,
đã cố tình chọn một quan điểm học thuật không thiên kiến, mà vẫn không
thể giấu kín những phán xét đẹp-xấu, đúng-sai, quan-trọng-và-vặt-vãnh của
mình.
Cảm ơn Phương Nam đã hồ hởi nhận làm cuốn sách này.
Trịnh Lữ