Nhiếp ảnh Mỹ hiếm khi lãnh đạm như vậy. Muốn thấy một cách tiếp cận
gợi nhớ đến Sander, ta phải xem đến những người chụp tư liệu một bộ phận
đang chết hoặc đã bị vùi lấp của nước Mỹ – như Adam Clark Vroman,
người chụp ảnh dân da đỏ ở Arizona và New Mexico từ 1895 đến 1904.
Nhưng bức ảnh khỏe đẹp của Vroman không biểu cảm, không chiếu cố,
không bi lụy. Tâm trạng của chúng trái ngược hẳn với những ảnh của dự án
FSA: chúng không cảm động, không có tiếng nói riêng, không mời chào
thông cảm. Chúng không tuyên truyền gì cho dân da đỏ. Sander không hề
biết ông đang chụp ảnh một thế giới đang dần biến mất. Vroman thì biết.
Ông cũng biết rằng không thể cứu được cái thế giới mà ông đang ghi chép
làm tư liệu ấy.
Nhiếp ảnh ở Châu Âu phần lớn được dẫn dắt bởi những quan niệm về cái
đáng thành ảnh (picturesque – ví dụ cái nghèo, cái ngoại lai, cái mòn mỏi vì
thời gian), cái quan trọng (ví dụ như giàu có và nổi tiếng), và cái đẹp. Ảnh
chụp có khuynh hướng ca ngợi hoặc nhắm đến cái trung lập. Người Mỹ, ít
tin tưởng vào sự trường tồn của bất kỳ một thu xếp xã hội cơ bản nào, là
chuyên gia về cái gọi là “hiện thực” và cái tất yếu của biến động, thường
khiến cho nhiếp ảnh có tính đảng phái tranh đấu hơn. Chụp ảnh không phải
chỉ để trưng ra cái đáng được khâm phục, mà còn để bóc trần cái cần phải
đối mặt, phản đối, và khắc phục. Nhiếp ảnh Mỹ hàm chứa một mối quan hệ
nhiều tóm tắt và ít ổn định hơn với lịch sử; và một mối quan hệ với hiện
thực địa lý và xã hội vừa nhiều hy vọng hơn, vừa nhiều săn lùng chiếm đoạt
hơn.
Bên phía hy vọng ta thấy những ví dụ nổi tiếng về việc dùng nhiếp ảnh để
đánh thức lương tri. Hồi đầu thế kỷ, Lewis Hine được cử làm nhiếp ảnh gia
chính thức của Ủy ban Quốc gia về Lao động Trẻ em (National Child Labor
Committee), và những bức ảnh của ông chụp trẻ con làm việc tại các xưởng
bông, cánh đồng củ cải và các mỏ than đã có tác động khiến các nhà lập
pháp ra luật cấm lao động trẻ em. Trong thời kỳ khôi phục kinh tế với
chương trình New Deal của tổng thống Roosevelt khởi xướng năm 1933,