Một số ảnh không câu nệ, thông hoạt, tự nhiên; những ảnh khác thì ngây
vụng. Nhiều ảnh bố trí người mẫu ngồi trước tấm phông trắng có thể coi là
gạch nối tuyệt hảo giữa ảnh chụp tội phạm của cảnh sát và ảnh chân dung
kiểu cổ chụp trong studio. Một cách tự nhiên không cố tình, Sander điều
chỉnh phong cách của mình cho thích hợp với địa vị xã hội của người mẫu.
Những người có chuyên môn và người giàu thường được chụp trong nhà,
không có phông màn. Chúng tự lên tiếng cho họ. Người lao động và dân tứ
chiếng thì thường chụp ở cảnh trí (thường là ngoài trời) đúng với nơi sinh
sống của họ, lên tiếng cho họ – cứ như họ không thể tự nhận một căn cước
nào khác như thường thấy trong giới trung và thượng lưu.
Trong ảnh của Sander, mọi người đều ở đúng chỗ, không có ai lạc hoặc bị
dồn ép hoặc ra rìa. Một người đần độn được chụp một cách lãnh đạm hệt
như với một người thợ xây, một cựu binh Thế chiến I cụt cả hai chân cũng
như một anh lính trẻ khỏe diện quân phục, các sinh viên theo Cộng sản gào
thét cũng như một đảng viên Quốc xã mỉm cười, một chủ nhà máy cũng
như một ca sĩ nhạc kịch. Sander nói rằng “Tôi không có ý định phê bình
hoặc mô tả những người này”. Chúng ta có thể lấy làm thường khi ông nói
mình không có ý phê bình khi chụp những người ấy, nhưng bảo là không
định mô tả họ nữa thì cũng hay. Thái độ đồng lõa với mọi người mẫu của
Sander như vậy cũng có nghĩa là ông giữ một khoảng cách với tất cả mọi
người.
Cái đồng lõa ấy của ông không ngây thơ (như của Carell) mà có chất hư vô
chủ nghĩa. Tác phẩm của Sander có tính hiện thực giai cấp, nhưng nó cũng
là một trong những bộ ảnh trừu tượng chân chính nhất trong lịch sử nhiếp
ảnh.
Khó tưởng tượng có một người Mỹ muốn làm một phân loại hoàn chỉnh
tương đương với sự nghiệp của Sander. Những ảnh chân dung xuất sắc của
nước Mỹ – như tập American Photographs (1938) của Walker Evans và tập
The Americans (1959) của Robert Frank – đều vẫn cố tình ngẫu nhiên,