Một số nhiếp ảnh gia tự coi mình như những nhà khoa học, những người
khác thì như các nhà đạo đức học. Các nhà khoa học thì kiểm kê thế giới;
các nhà đạo đức thì tập trung vào những trường hợp khó khăn. Một ví dụ về
nhiếp ảnh-như-khoa-học là dự án của August Sander, bắt đầu năm 1911:
một vựng tập ảnh chụp người Đức. Tương phản với các bức vẽ của George
Grosz, thâu tóm tinh thần và các loại xã hội khác nhau ở nước Đức thời
Weimar bằng lối vẽ châm biếm, những bức “ảnh nguyên mẫu” (như lời
ông) của Sander hàm chứa một thái độ trung lập ngụy-khoa-học, tương tự
như thái độ của các khoa học phân loại có tính đảng phái được che giấu đã
đua nhau xuất hiện trong thế kỷ 19 như tướng sọ học, tội phạm học, tâm
thần học, và ưu sinh học. Sander không chọn cá nhân để chụp vào ảnh vì
tính cách đại diện của họ, mà ông giả định, rất đúng, rằng máy ảnh chỉ có
thể tiết lộ những gương mặt như các tấm mặt nạ xã hội. Mỗi một người
chụp vào ảnh là một chỉ dấu của một nghề nghiệp, giai cấp hoặc chuyên
môn nhất định. Tất cả chủ thể trong ảnh của ông đều là đại diện, ngang
nhau hết, của một hiện thực xã hội sẵn có, của chính họ.
Cái nhìn của Sander không phải là không tốt; một cái nhìn chấp nhận,
không phán xét. Hãy so sánh bức “Người làm xiếc” chụp năm 1930 của
ông với những nghiên cứu về người làm xiếc của Diane Arbus hoặc với các
chân dung chụp dân giang hồ của Lisette Model. Người ta nhìn vào ống
kính của Sander, cũng như trong những ảnh của Model và Arbus, nhưng cái
nhìn chăm chú ấy của họ không gần gũi, không tiết lộ. Sander không tìm
kiếm bí mật; ông chỉ quan sát cái điển hình. Xã hội không có bí mật.
Khác với hầu hết nhiếp ảnh có ý định thu thập tài liệu, say mê chọn cái
nghèo và cái lạ, hoặc cái nổi tiếng, làm chủ đề, mẫu xã hội của Sander được
chọn rộng và có ý thức một cách bất thường. Ông chụp cả quan chức và
nông dân, đầy tớ và các mệnh phụ quảng giao, thợ thuyền trong nhà máy và
các kỹ nghệ gia, lính tráng và dân Gypsy, diễn viên và thư lại. Nhưng cái đa
dạng ấy vẫn để ý đến vấn đề giai cấp.