ảnh khỏa thân nửa trừu tượng trong những thập niên vừa rồi có vẻ đúng là
một hành trình dài. Nhưng chẳng có gì đặc biệt độc đáo, hoặc thậm chí có
thể không nhất quán, trong những tương phản ấy. Du hành giữa những hiện
thực suy bại và hào nhoáng là một phần của chính cái lực đà thúc đẩy sự
nghiệp nhiếp ảnh, trừ phi nhà nhiếp ảnh bị khóa chặt vào một nỗi ám ảnh
cực đoan riêng của mình (như kiểu Lewis Carroll đối với tụi trẻ gái hoặc
Diane Arbus với đám đông ma quái vậy).
Nghèo đói không còn siêu thực hơn giàu có; một tấm thân trùm giẻ rách
bẩn thỉu không còn siêu thực hơn một nàng công chúa trong trang phục vũ
hội hoặc một khỏa thân tinh khiết. Siêu thực là cái khoảng cách được áp
đặt, và bắc cầu, bởi bức ảnh: cái khoảng cách xã hội và khoảng cách thời
gian. Nhìn từ quan điểm nhiếp ảnh của giai cấp trung lưu, những nhân vật
nổi tiếng cũng gây tò mò hệt như những kẻ cùng khổ. Nhà nhiếp ảnh không
cần phải có một thái độ thông minh mai mỉa đối với chủ đề đã có định kiến
xã hội của mình. Cứ say mê một cách trọng thị và hòa thuận là được, đặc
biệt là với những chủ đề đã thành quy ước.
Những cái tinh tế của Avedon, ví dụ thế, thì còn lâu mới thấy được trong
ảnh của Ghitta Carell, nhà nhiếp ảnh gốc Hungary chuyên chụp các nhân
vật nổi tiếng thời Mussolini. Nhưng bây giờ thì các chân dung bà chụp
trông cũng lập dị như chân dung của Avedon, và còn siêu thực hơn nhiều so
với những ảnh có ảnh hưởng siêu thực của Cecil Beaton chụp cùng thời ấy.
Bằng cách đặt chủ thể của mình – như trong các ảnh ông chụp Edith Sitwell
năm 1927, chụp Cocteau năm 1936 – vào khung cảnh được trang trí rườm
rà mộng mị, Beaton biến họ thành những hình nộm quá lộ liễu và không
thuyết phục. Nhưng thái độ thơ ngây của Carell khi chiều ý các vị tướng,
các nhà quý tộc và diễn viên Ý muốn có những chân dung tĩnh tại, có tư thế
tự tin duyên dáng và đẹp đẽ lộng lẫy, lại phơi bày được sự thật chân xác
phũ phàng về họ. Lòng tôn kính của nhà nhiếp ảnh đã khiến họ thành thú
vị; thời gian đã khiến họ thành vô hại, cõi người là vậy.