BÀN VỀ NHIẾP ẢNH - Trang 56

Trở lại với phim The Cameraman: một cuộc chém giết thanh toán lẫn nhau
của đám dân Tàu nghèo khổ là một chủ đề lý tưởng. Nó hoàn toàn ngoại lai
lạ lẫm, nên rất đáng được vào ảnh. Cuốn phim của nhân vật chính trong
The Cameraman sở dĩ thành công cũng một phần vì anh ta chả hiểu gì về
chủ đề của mình. (Do Buster Keaton thủ vai, anh ta thậm chí còn không
hiểu rằng mạng sống của mình đang bị đe dọa). Năm 1890, Jacob Riis xuất
bản tập ảnh chụp người nghèo ở New York có nhan đề How the Other Half
Lives (Nửa kia họ sống thế nào)
– cái nhan đề ngây thơ thẳng toẹt này
chính là chủ đề siêu thực muôn thủa. Nhiếp ảnh được quan niệm như tài
liệu xã hội từng là công cụ của cái thái độ trung lưu cốt lõi ấy, vừa ghen tị
vừa dung chịu, vừa tò mò vừa lãnh đạm, cái thái độ được gọi là nhân bản –
vẫn khiến người ta thấy vẻ đẹp hút hồn ở những khu phố ổ chuột. Đến giờ
thì các tay máy đương đại đã học được cách đào sâu và hạn chế chủ đề của
mình. Thay vì trơ trẽn gọi “nửa kia”, thì bây giờ ta gọi hẳn là Phố 100 phía
Đông
(East 100th Street, sách ảnh chụp khu Harlem của Bruce Davidson
năm 1970). Động cơ chụp ảnh thì vẫn thế – vì một mục đích cao cả: phơi
bày một sự thật bị khuất lấp, bảo tồn một quá khứ đang dần biến mất. (Quả
thật, sự thật bị khuất lấp thường được đồng nhất với quá khứ đang dần biết
mất. Từ 1874 đến 1886, dân giàu có ở Luân Đôn có thể tham gia Hiệp hội
Chụp ảnh các Phế tích của Phố cổ Luân Đôn.)

Bắt đầu như các nghệ sĩ với nhạy cảm đô thị, các nhà nhiếp ảnh nhanh
chóng nhận ra rằng thiên nhiên cũng ngoại lai lạ lẫm chả khác gì thành phố,
cảnh thôn dã cũng “như ảnh đẹp” chả kém gì dân ổ chuột ở thành phố. Năm
1897, Ngài Benjamin Stone, kỹ nghệ gia giàu có và Nghị viên bảo thủ quê
ở Birmingham, thành lập National Photographic Record Association với
mục đích xây dựng kho ảnh tài liệu về những nghi thức và lễ hội đồng quê
của người Anh, lúc ấy đang dần biến mất. Stone viết: “Ngôi làng nào cũng
có một lịch sử có thể được bảo tồn nhờ công cụ máy ảnh.” Với một nhiếp
ảnh gia dòng dõi cao sang thời cuối thế kỷ 19 như Công tước Giuseppe
Primoli, một người rất sách vở, thì cuộc sống đường phố của những người
cùng khổ cũng thú vị chả kém gì những cảnh nhàn rỗi của giới quý tộc thân

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.