Thẩm Ngân Đăng kiêu ngạo làm sao nhịn được cơn giận này, đêm đó cô
ta liền thu dọn hành lý bỏ đi ngay. Lúc quan chủ Thương Hồng nhận được
tin chạy đến thì người đã mất dạng từ lâu, gọi điện thoại thì di động tắt
máy. Nghiễm nhiên là ra vẻ cả đời này không qua lại với nhau nữa. Quan
chủ Thương Hồng giậm chân thở dài, nói đây không phải là càn quấy sao,
trong người Thẩm tiểu thư còn có độc, mang chính mạng mình ra đùa giỡn
sao được chứ.
Hồng Môn Yến của Tư Đằng được đặt tại một nhà hàng hạng sang gần
núi Thanh Thành. Họ dùng cơm bên cạnh một mặt hồ trải dài, có lan can
bao quanh hồ, đối diện là núi Thanh Thành yên tĩnh. Nghe nói đến lúc đó
còn sắp xếp hai cô gái mặc váy vải in hoa xanh, cầm cây dù giấy ngồi trên
một chiếc thuyền con trôi lênh đênh trên mặt hồ. Nếu như ngày trời mưa thì
chính là “Mưa phùn gió rít vẫn làm ngơ.” (1). Nếu như là trời nắng thì
chính là “Ánh nước long lanh trời trong vắt” (2).
(1) Câu cuối cùng trong bài thơ Ngư Ca Tử Kỳ 1 của dân gian Trung
Quốc do Nguyễn Chí Viễn dịch.
(2) Câu đầu tiên trong bài thơ Ẩm Hồ Thượng Sơ Tình Hậu Vũ thời
Tống (tạm dịch “Uống rượu bên hồ khi mưa vừa tạnh”).
Bà chủ cố gắng giới thiệu với Tần Phóng: “Tuyệt vời lắm nhé, dùng
cơm ở chỗ chúng tôi không đơn giản chỉ là ăn cơm thôi đâu, mà còn là
hưởng thụ tinh thần nữa.”
Tinh thần mấy đạo trưởng kia chắc là rất khẩn trương, thôi để hưởng thụ
món ăn tinh thần một chút cũng tốt.
Nhan Phúc Thụy nhận được cú điện thoại xác định cuối cùng của Tần
Phóng liền chạy đến phòng các vị đạo trưởng thông báo. Dường như tích
cực chạy tới chạy lui như vậy mới có thể bù đắp được một chút lỗi lầm của
đạo trưởng Khưu Sơn. Đạo môn và đạo động, đạo phố chia ra ở trước và
sau đạo quan, lúc đi qua con đường nhỏ trong núi đến sân trước thông báo
bỗng có người đứng phía sau gọi ông: “Nhan đạo trưởng.”
Hóa ra là Thẩm Ngân Đăng, Nhan Phúc Thụy vô cùng ngạc nhiên hỏi cô
ta: “Thẩm tiểu thư, không phải cô đã đi rồi sao?”