Servaz giật lùi. Chủ nghĩa hiện thực và tính bạo lực trong bức tranh quá
sức kinh khủng. Loại người điên rồ nào đã tạo nên một tác phẩm thế này?
Tại sao người ta lại bị mê hoặc trước bạo lực đến vậy? Hàng loạt hình ảnh
gây sốc trên truyền hình, phim ảnh và sách báo, có phải một cách để ngăn
chặn nỗi sợ hãi hay không? Hầu hết các nghệ sĩ chỉ biết đến bạo lực theo
cách gián tiếp và trừu tượng chứ chưa từng đối mặt với nó. Trong khi đó,
cảnh sát phải giáp mặt với những hiện trường vụ án quá sức chịu đựng, lính
cứu hộ phải kéo xác nạn nhân ra khỏi đống xe cộ vỡ nát, thẩm phán ngày
này qua ngày khác phải xem xét những vụ án tàn bạo… nếu để những
người này sáng tác thì ai biết được họ sẽ tạo nên tác phẩm gì? Liệu có phải
là cùng một thứ bạo lực kinh tởm ấy, hay là thứ gì khác hắn?
Các bậc thang kim loại khẽ rung lên theo từng bước chân anh. Charlène
đang tán gẫu với một người đàn ông bảnh bao tóc bạc mượt mà mặc com lê
may riêng. Cô ngừng lại để ra hiệu cho Servaz đến gần, rồi giới thiệu họ
với nhau. Servaz hiểu rằng người đàn ông này, một giám đốc ngân hàng, là
một trong những khách hàng quan trọng của phòng trưng bày.
“Được rồi, tôi sẽ xuống gác để thưởng thức triển lãm tuyệt vời này,” ông
ta nói. “Một lần nữa, chúc mừng cô về khiếu thẩm mỹ hoàn hảo của mình,
Charlène thân mến. Tôi không biết bằng cách nào, mà lần nào cũng vậy, cô
đều có thể tìm ra những nghệ sĩ vô cùng tài năng.”
Người đàn ông đi khuất. Servaz tự hỏi liệu ông ta có nhìn anh lấy một
lần không, hay thậm chí còn chẳng nhận biết tình trạng của anh. Đối với
những người như ông ta, Servaz không tồn tại. Charlène hôn lên má
Servaz, anh ngửi thấy mùi phúc bồn tử và vodka trong hơi thở của cô. Cô
lộng lẫy trong chiếc đầm bầu màu đỏ bên trong áo da ngắn màu trắng, và
đôi mắt, cũng như chuỗi hạt trên cổ, sáng ngời lấp lánh.
“Trời đang mưa hả,” cô nhìn anh, nở nụ cười dịu dàng.
Cô xòe tay về phía những bức tranh. “Anh hiếm khi đến đây. Em rất vui
vì anh đã tới, Martin. Anh thích không?”
“Nó có hơi… không thoải mái,” anh trả lời.