cáo trạng. Một tiếng kêu đau đớn. Dù vậy, vì Alice là một đứa trẻ thông
minh với bộ óc thấu suốt, nên lời lẽ cô sử dụng đau buồn đến cùng cực.
Những bức tranh còn tồi tệ hơn. Một số bức có thể sẽ rất tuyệt vời nếu đối
tượng được phác họa không gớm ghiếc đến vậy. Servaz lập tức nhận ra một
bức tranh miêu tả bốn người đàn ông trong chiếc áo choàng và ủng. Alice
rất tài năng. Cô bé đã tỉ mỉ vẽ ra từng nếp gấp của những chiếc áo choàng
chúng mặc và khuôn mặt của bốn kẻ tội đồ, bị che khuất dưới cái bóng quái
ác của mũ trùm. Những bức vẽ khác mô tả bốn tên nằm ngửa, khỏa thân,
mắt và miệng mở lớn, đã chết. Một hình ảnh tưởng tượng, Servaz nghĩ
thầm.
Khi nhìn sát lại, anh thất vọng nhận ra rằng trong khi những chiếc áo
choàng và những cơ thể trần truồng gần như được sao chép hoàn toàn trung
thực, thì những khuôn mặt kia lại không hề giống bất cứ người đàn ông nào
anh biết. Không phải Grimm, Perrault hay Chaperon. Chỉ là những gương
mặt sưng phồng, quái dị, những hình biếm họa sự đồi bại và tàn nhẫn, gợi
nhớ lũ ác quỷ nhăn nhó được điêu khắc thành tượng để tô điểm cho nhà
thờ. Phải chăng Alice đã cố tình làm biến dạng diện mạo? Hay anh nên kết
luận rằng cô bé và các bạn chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của những kẻ
đã tra tấn mình? Rằng những tên này chưa bao giờ cởi mũ trùm của chúng?
Tuy nhiên, anh có thể phỏng đoán một số điều nhất định từ những bức vẽ
và đoạn trích trong nhật kí. Trước tiên, luôn có bốn gã đàn ông trong những
bức vẽ. Rõ ràng là bộ tứ hiếp dâm. Cuốn nhật kí đã trả lời cho câu hỏi về
đôi ủng trong cái chết của Grimm. Servaz tìm thấy nó ở vài trang tiếp theo:
Bọn chúng luôn đến vào đêm mưa bão, lũ cặn bã ấy. Rõ
ràng là để đảm bảo không ai tới trại hè trong khi chúng
có mặt. Bởi ai lại nghĩ đến việc tới cái thung lũng này
sau nửa đêm khi trời đang mưa như trút nước?
Chúng lội bùn tung tóe bằng những đôi ủng ghê tởm,
để lại những vết bùn dọc hành lang và vấy bẩn mọi thứ
chúng chạm vào, đàn lợn dơ dáy.