Servaz trao đổi bằng ánh mắt với Ziegler. Kết quả kiểm tra độc chất sẽ
xác nhận điều đó, nhưng chuyện này đã phần nào trả lời một trong những
câu hỏi của bọn họ. Bên trong dải băng, các giám định viên đang dùng nhíp
thu thập những vật mẫu cuối cùng và cất chúng vào ống nghiệm. Servaz
biết rằng, số vụ án được phá nhờ tang vật tìm thấy ở hiện trường chưa
chiếm tới bảy phần trăm, nhưng điều đó vẫn không làm giảm bớt lòng
khâm phục của anh trước sự kiên nhẫn và bền bỉ của những người này.
Khi họ xong việc, Servaz là người đầu tiên bước qua dải băng, anh cúi
xuống nhìn vết chân.
“Cỡ 45 hoặc 46,” anh ước lượng. “Chắc chắn tới 99% là đàn ông.”
“Theo nhân viên hiện trường, đó là giày leo núi,” Ziegler nói. “Và gã đi
đôi giày này có xu hướng dồn lực lên gót chân và má ngoài bàn chân. Dù
sao dấu hiệu đó cũng cực kì khó phát hiện, trừ khi là một chuyên gia chỉnh
hình. Cũng có một số dấu hiệu đặc thù, ở đó, đó và đó.”
Giống như dấu vân tay, những dấu vết do một đôi giày để lại rất đặc
trưng, không chỉ vì kích thước và họa tiết trên đế giày, mà còn bởi một loạt
những dấu hiệu nhỏ xíu, hàm chứa rất nhiều điều. Mòn vẹt do đi hằng ngày,
những hạt sỏi tí hon kẹt dưới đế, các vết rách, thủng và xước do cành cây,
móng chân, mảnh vỡ thủy tinh hay kim loại hoặc đá nhọn… gây ra. Chỉ có
điều, không giống vân tay, tuổi đời của những dấu hiệu này có hạn. Chỉ có
cách nhanh chóng đối chiếu với đôi giày nguyên bản mới có thể đảm bảo
chắc chắn việc nhận diện. Nếu không, các dấu hiệu ấy sẽ mất đi và được
thay mới do chủ nhân của đôi giày đã đi bộ thêm nhiều kilomet, qua đủ mọi
địa hình.
“Ông đã thông báo với anh Lombard chưa?” Anh hỏi Marchand.
“Rồi, cậu ấy buồn thương vô cùng và quyết định rút ngắn chuyến đi Mỹ
để trở về sớm nhất có thể. Tối nay cậu ấy sẽ lên máy bay.”
“Ông có phải là người phụ trách khu vực này không?”
“Phải. Cả trường luyện ngựa.”
“Có bao nhiêu người làm việc ở đây?”