Dương Tử đã lớn, tuổi mười bảy là tuổi bắt đầu mơ hoa. Những chiều
bâng khuâng vì chuyện không đâu làm Hạ Chi quan tâm.
— Dương Tử con lớn rồi đừng nên đến nhà dì Thăng thường xuyên nữa.
— Tại sao?
— Vì ở đó đàn ông và con trai không đứng đắn nhiều quá, đến coi chừng
mang tiếng.
Sự ngăn cấm không cho Dương Tử đến nhà dì Thăng, cho tâm hồn nàng
nhiều khoảng trống. Cha mẹ là ai? Tại sao lại gởi ta cho gia đình này?
Dương Tử thắc mắc. Ta phải sống trong một gia đình lạnh nhạt và buồn tẻ
này đến bao giờ?
Mùa nghỉ hè sắp đến, Hạ Chi nhận được thư Xá từ Chấp Quang gởi đến.
“…Mấy hôm nữa con sẽ về, mẹ chuẩn bị thêm một chỗ ngủ. Người bạn
cùng phòng con sẽ đến nghỉ hè ít lâu tại nhà ta. Hắn tên là Bắc Nguyên
(Bắc Nguyên mà con thường nhắc nhở đó). Học hơn con một lớp, nhưng ở
bên ban Hóa Học cơ. Hắn dễ thương lắm, mong mẹ sẽ hài lòng”.
Hạ Chi trao thơ lại cho Dương Tử xem, với vẻ khó chịu.
— Cái thằng này sao lắm chuyện, chẳng nghĩ đến sự bận rộn của mẹ nó
tí nào cả.
Dương Tử yên lặng nàng biết Bắc Nguyên, anh Xá thường kể cho nàng
nghe về người xa lạ nhưng rất quen thuộc này. Mẹ mất từ thuở nhỏ, yêu
nhạc, có bằng cấp ba về kiếm thuật… Có điều nàng không hiểu tại sao Xá
lại mời Bắc Nguyên về nhà, giữa lúc hoàn cảnh gia đình không được thuận
lợi thế này.
Buổi chiều nắng hạ thật nóng, Dương Tử mang tiểu thuyết vào rừng,
chọn một góc cây ngồi đọc. “Tiếng gọi núi rừng” quyển sách thật hay đã
mang tâm hồn Dương Tử vào trong khung cảnh của truyện. Nhân vật chánh
là đứa con côi lỡ yêu người em không cùng giòng máu. Mối tình gây ngang
trái người con gái lấy chồng, nhân vật chính vẫn không quên mãi đến lúc
chết.
Vai trò, hoàn cảnh người trong truyện phù hợp với cuộc sống hiện hữu
của Dương Tử. Nàng bâng khuâng. Chẳng được cha mẹ yêu mến, nếu có
người thật lòng yêu ta thì ta phải tôn thờ. Tình yêu phải là cái gì duy nhất,