không tiện nghi, ẩm ướt và lạnh giá, nhưng vậy là lý tưởng rồi. Mary
Song hơn tôi một giáp, mái tóc tuyệt đẹp đen nhánh gần như ngả biếc,
đôi mắt màu lá thu, nàng hát những tình khúc buồn trong một khách
sạn dành cho du khách giàu có tại Bangkok. Cớ gì nàng lại muốn cùng
tôi tới hòn đảo hoang vu này? Tôi chắc đây không phải ý tưởng của
mình, chính nàng đã bàn đến chuyện này trước. Hoặc nàng đã nghe ai
đó nhắc đến một đảo đá hoang sơ, mỗi khi có bão là hết đường tới.
“Em cần tĩnh lặng.” Hoặc giả đó là ý của tôi, chính tôi đã nghĩ tới sự
tĩnh lặng. Để viết, để lại bắt đầu viết sau nhiều năm uổng phí. Sự tĩnh
lặng, khoảng cách. Sự tĩnh lặng, trong gió và biển. Những đêm lạnh,
những đám sao.
Giờ thì toàn bộ chuyện này chỉ còn là một kỷ niệm. Ký ức không
quan trọng, không hậu quả. Duy có hiện tại là đáng kể. Tôi đã học
được điều ấy qua những kinh nghiệm xương máu của mình. Gió là bạn
tôi. Gió thổi không ngừng trên các mỏm đá, gió đến từ chân trời phía
Đông rồi vấp phải bức vách gãy vỡ của núi lửa, ập xuống những ngọn
đồi rồi luồn lách giữa những bức tường nham thạch thấp, lướt trên cát
san hô và vỏ sò vỏ ốc vỡ. Ban đêm, trong phòng khách sạn nơi tôi ở
(Happy Day
, làm cách nào cái tên này tới được tận đây, một cái tên
không trọn vẹn trên chiếc thùng gỗ mắc cạn), gió lùa qua khe cửa sổ
và cửa ra vào, xuyên qua căn phòng trống nơi chiếc giường sắt han gỉ
cũng y hệt một mảnh tàu đắm. Không có lý do nào khác cho chuyến
biệt xứ của tôi, cho nỗi cô đơn của tôi, duy có sắc xám của trời và
biển, và tiếng gọi ám ảnh của những người đàn bà mò bào ngư, tiếng
kêu của họ, tiếng huýt của họ, một dạng ngôn ngữ cổ, xa lạ, ngôn ngữ
của những động vật biển đã từng lui tới thế giới rất lâu trước con
người... Aouah, iya, ahi, ahi!... Những thiếu nữ làng chài đã ở đó khi
Mary dẫn tôi đi thăm đảo. Bấy giờ mọi chuyện khác hẳn. Những thiếu
nữ mò ốc tuổi chừng đôi mươi, họ lặn không trang phục, thắt lưng
buộc đá, đeo những mặt nạ dưỡng khí lấy từ xác lính Nhật. Các cô
không có bao tay cũng chẳng có giày. Giờ đây họ đã già đi, họ mặc bộ