5
Có rất nhiều người trôi dạt gặp gỡ như thế, khiến cho đến tận bây giờ tôi
vẫn không thể nào quên được. Tôi còn quen một người, một tử tù thực sự,
biệt danh là “Mồm to”.
Hồi đó, tử tù sau khi bị tuyên án phải mang cùm - không phải là đeo
xiềng chân, càng không giống loại xích nhẹ dưới năm kilôgam như bây giờ.
Cùm chân còn gọi là bảng chân, có đôi chút mùi vị văn vật truyền thống, to
sù nặng trịch, đẽo gọt sơ sài, trông hơi giống thanh tà vẹt gỗ trên đường ray,
do hai nửa trên dưới hợp thành. Trên thanh tà vẹt ấy khoét ra hai cái lỗ, cùm
chặt hai bàn chân của người tù, khiến họ không thể đi lại, thậm chí đứng
cũng khó, là công cụ hữu hiệu trong nhà tù. Hai đầu tà vẹt bắt bulông chặt
cứng, phải dùng dụng cụ đặc biệt mới vặn ra được.
Loại cùm chân này nhằm ngăn ngừa tử tù tự sát, làm những việc quẫn
trí, để bảo đảm đúng cái hôm hành hình theo quy định của luật pháp viên
đạn không bị bắn vào không khí.
Mồm to vừa vào phòng giam đã phải mang một cái cùm chân to tướng,
khiến lồng ngực tôi như bị đè nặng đến ngạt thở, toàn thân không ngớt nổi
gai ốc. Khi ấy, cảnh sát dẫn theo hai lao động viên, là những phạm nhân tội
nhẹ đã kết án, có thể tham gia lao động. Cảnh sát bảo họ giúp Mồm to tắm
rửa, thay áo rồi cho chân vào cùm. Mồm to nghe cảnh sát nói mấy lời an ủi,
tinh thần cũng ổn định phần nào, gật đầu lia lịa. Cảnh sát phân công tôi giúp
anh ta viết đơn kháng án, anh ta nhìn tôi thoáng cười, coi như cảm ơn.
Bỗng nhiên cảnh sát phát hiện ra một chiếc bu lông ở cái cùm chân đã
biến mất. “Bu lông đâu? Vẫn còn một chiếc nữa cơ mà? Kẻ nào lấy, mau
nộp ra đây!” Anh ta hét lên.
Không có ai trả lời.
“Không mau nộp ra à? Lục soát thấy tội nặng gấp đôi, coi như chết
chắc!”