Cường đại ca không hiểu những câu chữ này có ý nghĩa gì, mặt cứ thuỗn
ra. Đợi đến khi tôi giải thích từng tí một, gã mới có đôi chút ngượng ngùng.
“Dài dòng quá, dài dòng quá, toàn những câu vớ vẩn.”
“Thế đại ca muốn em viết gì?”
“Chỉ cần bảo: kẻ nào gây khó dễ với cô ấy, chuyển lời ngay đến cho đại
ca. Ta sẽ đi diệt!”
Gã bắt tôi xé đi viết lại.
Đêm khuya tôi ngủ cạnh gã, phát hiện ra gã vẫn cứ cựa quậy không yên,
cuối cùng ngồi dậy thở dài thườn thượt. Tôi cũng chưa ngủ, bèn hỏi gã có
tâm sự gì. Gã nói gã nằm mơ, mơ thấy một lão già, trông rất giống bố đẻ
của gã, đang ở trên cây cầu có đường ray hẹp thì gặp một đoàn tàu hỏa, ông
cố tránh đường nhưng bất chợt thụt chân, rơi xuống một động sâu muôn
trượng hun hút. Về sau gã chạy tới chân cầu ứng cứu, thấy lão già đã chết,
nhưng dưới mũ của lão không phải là đầu mà là một cái đồng hồ báo thức.
Cậu xem có kỳ lạ không?
Trầm ngâm một lát, gã lại thở dài, dưới ánh đèn mờ đục, lần đầu tiên gã
kể chuyện gia cảnh. Gã kể bố đẻ của gã mất sớm, mẹ gã tái giá, đưa gã đến
nhà họ Châu. Nhưng bố dượng đối xử với mẹ gã chẳng ra gì, hai ba ngày lại
đánh mẹ gã đến chảy máu đầu, có một lần đêm đã khuya, đúng lúc bên
ngoài đang mưa to, lão ta còn đuổi mẹ gã ra khỏi cửa. Lúc đó chỉ có gã mới
tám tuổi đầu, đã quỳ trước mặt bố dượng, cầu khẩn lão giữ mẹ gã. Nhưng
bố dượng có nghe gã không? Lão vô lại ấy còn nói, cái gốc họa thực ra
chính là gã, gã ăn nhà họ Châu, mặc nhà họ Châu, còn bắt nhà họ Châu
đóng tiền cho gã đi học, khác nào cái động không đáy, biết bao nhiêu cho
đầy? Tiêu tốn biết bao nhiêu tài sản chỉ để nuôi một thằng con hoang. Cái
gai mọc trong thịt, chắc chắn không dài ra nổi.
Cường ghi nhớ những lời này, cho rằng chỉ là bố dượng tiếc tiền, cho
rằng chỉ cần bớt tốn tiền mình thì bố dượng sẽ đối tốt với mẹ. Từ đó gã học
được cách nhặt rác, học bán báo và dán vỏ bao diêm, quen hai người anh
em đường phố, về sau học luôn ăn cắp xe đạp, xe máy, biết luôn cả ném đá