đồ sộ, may mắn còn lại sau cơn binh lửa. Tối đó, Huế như sống lại sau bốn năm
chiến đấu và sợ hãi. Bữa tiệc kết thúc, diễn ra một "dạ hội kiểu Venise". Hội hoa
đăng cổ truyền được tổ chức trên sông Hương: hàng trăm thuyền bè đèn thắp
sáng trưng lướt trên nước, trên thuyền là những vũ công mang mặt nạ. Nhã nhạc
tưởng như bị quên lãng nay lại tưng bừng vang lên từ những quả đồi. Lễ hội kết
thúc vào nửa đêm trong niềm vui. Nhưng chỉ ba giờ sau, một loạt đạn súng cối
rơi cách tường thành vài mét. Từ bốn năm nay các cuộc chiến đấu chưa bao giờ
thật sự chấm dứt ở cố đô Huế.
Chữ ký trên hiệp định ở điện Elysée không chấm dứt được không khí sục sôi
chính trị ở Huế. Bảo Đại không dám lập lại Triều đình. Với danh nghĩa "Quốc
trưởng" ông cai trị một đất nước gồm có ba "kỳ" nhưng mỗi "kỳ" vẫn giữ bản
sắc riêng, cả ba đều thường xuyên xảy ra khủng hoảng.
Cơ quan tuyên truyền tổ chức các chuyến viếng thăm, các cuộc gặp gỡ, các cuộc
biểu tình hoan nghênh "quốc trưởng", cố gắng phát huy tinh thần quốc gia.
Tháng 6 năm 1951, Bảo Đại tổ chức lễ hội "thống nhất quốc gia". Các đại biểu
ba miền Bắc, Trung, Nam, đại biểu các dân tộc thiểu số đổ về Sài Gòn, mang
theo một nắm đất quê hương. "Quốc trưởng" trịnh trọng trộn lẫn các nắm đất ấy
tượng trưng cho sự thống nhất các "miền đất" trong nước. Một trăm nghìn người
dự cuộc lễ ấy hoan hô như sấm dậy khi Bảo Đại đổ đất đã trộn vào đầy các bình
đặt trên "bàn thờ Tổ quốc". Tiếp đó khắp các miền trong nước, nhiều lễ nghi tôn
giáo được cử hành cùng với các cuộc diễu hành quần chúng rầm rộ để biểu
dương sự kiện trọng đại nầy.
Hoạt động tiếp theo là làm sao để những điều khoản trong hiệp ước Auriol - Bảo
Đại được thực hiện, nếu không thế thì độc lập chỉ là một từ rỗng tuếch.
Công việc nầy không dễ dàng chút nào. Chiến tranh đang tiếp diễn. Mặt trận
quân sự phải được ưu tiên. Ai cầm súng người đó nắm thực quyền. Những năm
50, trong vùng tạm chiếm, quyền hành thực sự nằm trong tay đội quân viễn
chinh đông tới hai trăm năm mươi nghìn người. Đó là những quyền quản lý
hành chính đối với dân chúng trong vùng chiếm đóng, quyền thu thuế, quyền trị
an. Bảo Đại phải vật lộn, đấu tranh giành giật từng quyền một cho đến ba năm
sau mới đạt được một hiệp định mới về chuyển giao quyền hành cho "Chính phủ
quốc gia Việt Nam" và "Đức Quốc trưởng Bảo Đại", lúc đó đã quá muộn(1).
Trong lúc thế trận chưa ngã ngũ dám tướng tá Pháp hành động y hệt như năm