Việt Minh như chủ trương của Bảo Đại. Mỗi cử tri được nhận một lá phiếu gồm
hai phần. Một có hình của Diệm với ghi chú: "Tôi phế truất Bảo Đại và công
nhận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam với sứ mệnh thiết lập một chế
độ dân chủ". Phần kia với nội dung ngược lại.
Cuộc trưng cầu dân ý trở thành một cuộc bỏ phiếu toàn dân cho Diệm. Rất quan
trọng, hơn 98,1% phiếu bầu cho Diệm. Rõ ràng là có gian lận. Trong thành phố
Sài Gòn Diệm được sáu trăm năm mươi nghìn phiếu ủng hộ, trong lúc trong các
danh sách cử tri chỉ gồm có bốn trăm năm mươi tư nghìn người đăng ký.
Lần nầy thế là hết hẳn. Hết cuộc sống đế vương, chôn vùi mọi ảo tưởng ngai
vàng. Thông qua chính quyền Diệm người Mỹ chỉ huy cuộc chiến tranh. Toàn
bộ tài sản Bảo Đại vơ vét được sau khi về Việt Nam đều bị tịch thu. Chiến dịch
báo chí vẫn tiếp tục. Chính Bảo Long cũng bị lên án là đã "bao" cả một bầu
đoàn thê thiếp.
Màn đã hạ, không một lời cáo biệt, không để lại một bức ảnh nào. Bảo Đại lặng
lẽ ra đi. Như chui xuống lỗ, như nhảy xuống vực. Dường như ông thích như vậy.
Không phỏng vấn, không bình luận lúc nầy, lúc khác như các ông vua bị hạ bệ
thường làm. Không có cả những cuộc tiếp xúc hẹp với đồng bào. Hồ sơ của các
báo, kho lưu trữ của các cơ quan mật vụ hay các bộ đều không để lại hồ sơ nào
về phản ứng của Bảo Đại. Nhân chứng hiếm hoi. Cứ như ông ta đi trốn, tránh
mặt các nhà báo, không trả lời ai, làm như chết rồi.
Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại thế là sụp đổ tan tành. Hình ảnh về đôi giai
nhân tài tử lúc nào cũng cặp kè bên nhau trong những chuyến du ngoạn, những
cuộc tiếp tân long trọng biến mất. Tất cả đều bị cuốn theo sự thất bại của ông.
Từ nay họ không phải giả vờ sống hoà thuận với nhau, che đậy sự rạn nứt đã
làm ông bà ly thân thật sự đã mười năm nay.
Ông là người thua cuộc, như nước Pháp rời bỏ châu Á trong lúc hàng nghìn
người Công giáo rời bỏ miền Bắc di cư vào Sài Gòn.
Bảo Đại tiếp tục cuộc sống mờ nhạt ở Cannes. Ông đã bắt đầu chắt chiu, giảm
bớt mọi chi tiêu hào phóng, hạ thấp mức sống của ông, cho thôi việc những
người Việt Nam làm việc ở lâu đài Thorenc, như không muốn sáng sáng, gặp lại
những bộ mặt của quá khứ. Cho thôi việc cả ông Nguyễn Tiến Lãng, người đã bị
chính quyền cách mạng giam cầm một thời gian, rồi đi kháng chiến, làm việc
dưới trướng tướng Nguyễn Sơn ở quân khu Bốn, rồi chạy về vùng chiếm đóng,