theo ông cho đến những ngày tàn tạ. Cho thôi việc cả những tổng lý văn phòng,
quan hầu cận và vài người khác. Còn lại mấy gia nhân, hầu hết là người địa
phương Cannes, dĩ nhiên là có lái xe, người làm vườn và hầu phòng.
Hoàng đế bị phế truất sống phần lớn thời gian ở Alsace. Chính tại đây ông cảm
thấy như được bù lại những ngày sống ở trang trại Buôn Ma Thuột. Ông không
bỏ được thú đi săn bắn. Đối với ông đó là một nhu cầu thiết yếu, như thú đánh
bạc. Nhu cầu đàn bà cũng vậy.
Jean de Beaumont, cựu nghị sĩ của xứ thuộc địa Nam Kỳ xưa kia, con người
niềm nở với ông năm 1939, sau chiến tranh về sống ở Cannes đã giúp Bảo Đại
tìm hiểu địa phương.
De Beaumont lúc đó được coi là một trong những tay thợ săn xuất sắc của nước
Pháp. Ông cũng có một khu đất trong một thị trấn bên cạnh.
Bảo Đại thuê một mảnh đất một nghìn năm trăm hecta cạnh làng Epshtein. Ông
xua muông thú xung quanh vào đó để săn, nhưng khó hơn là săn các con bò
rừng hay hươu ở Buôn Ma Thuột. Mỗi chuyến đi săn có kết quả cũng bắn được
năm hay sáu con vật là bình thường. Không có hổ, không có voi nhưng có chim
trĩ, thỏ rừng, sóc...
Ông thay đổi nhiều. Vóc dáng gầy hơn, tính cách kiên quyết hơn. Ông nói ông
đang sống một cuộc đời ẩn dật để tự do suy nghĩ, xa lánh các cuộc giao du với
giới thượng lưu.
Một số bài báo hiếm hoi thuật lại cuộc sống nông thôn của ông, mô tả một biệt
thự hiện đại của ông ở Gerstheim, bên bờ sông Rhin. Một mình không đầy tớ,
ông dùng bữa tại nhà một người hầu cận cũ, ở gần đó.
Đó là một hạ sĩ quan Pháp nổi tiếng ở Đông Dương tên là Rochereau(4), có vợ
làm thư ký riêng. Bà nầy có dung nhan khá đẹp, được mọi người kính mến.
Bảo Đại còn cho xây dựng một ngôi nhà nhỏ khác ở giữa rừng Krafft, làm chỗ
gặp gỡ bạn gái trong các cuộc săn. Đó là mấy cô diễn viên, đông đảo các cô gái
trẻ, thường là người châu Âu. Họ lưu lại dăm ba ngày, một vài tuần rồi ra đi
không trở lại.
Có những lần Bảo Đại vắng mặt các cô vẫn ở lại đó, dùng bữa tại gia đình
Rochereau.
Ông không muốn nhắc đến Đông Dương và dường như trong những năm đó
muốn xoá đi tất cả.