Bảo Đại lại có ảo tưởng vận may lại sắp đến để ông có thể xuất hiện trở lại trên
chính trường miền Nam. Tại Paris ông Nguyễn Văn Chi tuỳ viên báo chí bán
chính thức của toà Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp đã đến
thăm dò phản ứng của Bảo Đại. Hai bên cùng thảo luận về khả năng Bảo Đại sẽ
ra một bản tuyên cáo được công bố nhân dịp Tết Quý Mão (1968) kêu gọi Mặt
trận dân tộc giải phóng miền Nam và chính phủ Diệm thương thuyết để tái lập
hoà bình tại miền Nam Việt Nam. Ông Chi nhấn mạnh cho Bảo Đại hiểu rõ là
không nên nuôi những ảo vọng và nếu trong tương lai Bảo Đại được mời nhận
một nhiệm vụ mới, thì trách nhiệm nầy sẽ khó khăn chứ không đem lại lợi lộc.
Bảo Đại đáp lại là ông nhận thức được những hy sinh lớn mà người ta chờ đợi ở
ông. Tình hình đã đối thay, nên những người cộng sự của Bảo Đại lần nầy sẽ
phải là những con người liêm khiết. Bảo Đại cũng cho biết là có nhiều nhân vật
Mỹ đã đến gặp ông để tìm kiếm một người sẽ thay thế Ngô Đình Diệm và trong
số nầy có ông Averell Harriman, và ông muốn chờ xem tình hình sẽ biến chuyển
ra sao(5). Người ta nhớ lại, năm 1963, Tổng thống Pháp De Gaulle, trong dịp đi
thăm Campuchia, đã long trọng đòi "nước ngoài" chấm dứt can thiệp quân sự
vào miền Nam Việt Nam, mọi giải pháp phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc
lập, thống nhất và trung lập cho miền Nam Việt Nam. Pháp đã kín đáo chuẩn bị
lá bài Trần Văn Hữu làm thủ tướng thay Ngô Đình Diệm và Bảo Đại có thể trở
lại làm Quốc trưởng. Sau nầy mọi người đều biết chính Ngô Đình Diệm trong
thời gian nầy đã tìm cách thăm dò chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại
Hà Nội thông qua đại sứ Maneli, Trưởng đoàn Ba Lan, trong Uỷ ban quốc tế về
giám sát đình chiến và thi hành hiệp nghị Genève, một việc mà cách đó tám năm
(1955), Diệm cương quyết khước từ(6). Có thể vì muốn ngăn chặn mọi cuộc vận
động hoà bình của Diệm, ngăn chặn xu hướng trung lập hoá miền Nam đang
nảy nở ở miền Nam Việt Nam và trên thế giới mà Mỹ đã quyết định thay ngựa
giữa dòng, bày trò đảo chính để thủ tiêu anh em Diệm, Nhu... Thấy tình hình
không thuận lợi nên Bảo Đại cũng bỏ luôn gợi ý của ông Nguyễn Văn Chi, dứt
khoát rời khỏi chính trường.
Chú thích:
(1) Trịnh Đình Khải, La Décolonisation du Vietnam, Un avocat témoigne, (Công
cuộc phi thực dân hoá ở Việt Nam. Một trạng sư đưa ra chứng cứ) Nhà xuất bản