Thị Lan là một cô gái có thể nói là quá giữ gìn ý tứ, quá ư nghiêm khắc. Nhưng
không phải thế, nhìn vào các tấm ảnh dù nhỏ nhất đã úa vàng người ta vẫn thấy
sáng lên một nét duyên dáng hiếm có. Phóng viên báo Monde colonial (Thế giới
thuộc địa) thời đó phải thốt lên: "Với dáng thanh lịch của riêng mình chứng tỏ
một thị hiếu tinh tế và vững vàng, với chiếc áo dài dạ hội có những đường nét
thuần khiết, màu sắc thanh nhã mà hoà hợp, chiếc áo nịt trong vừa khít với
người, nàng xinh đẹp như một bông hoa quý". Khi Nam Phương xuất hiện trong
phòng khách của Toà Khâm sứ, trông bà còn xinh đẹp hơn nữa. Báo Thế giới
thuộc địa còn miêu tả: "Cả hai người đều mặc áo màu vàng, chít khăn vàng,
quần lụa trắng, đi giày cườm thêu vàng, thật là đẹp đôi như một bức tranh sáng
ngời về tuổi thanh xuân lộng lẫy. Hình bóng đôi uyên ương vàng rực uy nghi tạo
nên một bức tranh tuyệt mỹ làm say đắm người hoạ sĩ. Hoàng hậu Nam Phương
xuất hiện rực rỡ trong nét duyên dáng tinh tế của tuổi trẻ như một huyền thoại".
Nam Phương có nghĩa là Hương thơm miền Nam. Ai đã đặt cái tên đệm giàu ý
nghĩa như vậy? Chắc là Bảo Đại. Khi bà sinh ra, cha cố đã đặt cho bà một cái
tên giản dị là Marie-Thérèse, khi đi học trường Les Oiseaux thì tên rút gọn
thành Mariette. Bà là một phụ nữ xinh đẹp giàu có, cực kỳ giàu có. Một số
người xì xào không phải của cải là sức quyến rũ cuối cùng đối với Nhà vua. Cha
mẹ bà là những điền chủ cỡ bự của xứ Nam Kỳ nơi những con chiên ngoan đạo
đã bỏ tiền xây nhiều công trình bằng đá ở nhiều nơi để tôn vinh Đức Chúa Vạn
năng.
Hai ông bà còn khai khẩn hàng nghìn hecta đất ở Nam Kỳ tạo nên những cánh
đồng lúa phẳng lỳ, thẳng cánh cò bay, trong tay điều khiển cả một đám công
nhân nông nghiệp và nông dân cần mẫn bì bõm dưới ruộng. Bà Nam Phương
kiêu hãnh về ông bà, cha mẹ đã góp phần làm đồng bằng Cửu Long trở nên giàu
mạnh. Một vùng lúa rộng như biển cả. Một trong những miền phì nhiêu nhất
trên thế giới. Ông ngoại của bà có tên là Lê Văn Sỹ còn được gọi là Huyện Sỹ
(hàm tri huyện chứ không phải là tri huyện tại chức). Dân gian còn gọi là Nhất
Sỹ, có nghĩa là giàu có nhất. Ngày nay người ta còn nói ông ta thuộc lớp đầu
tiên đã tiếp tay cho người Pháp. Cuộc chinh phục thuộc địa đã quét sạch luật lệ
phong kiến. Đất đai không còn là của Nhà vua. Chiến tranh đã làm nông dân lưu
tán khắp nơi. Không thể để ruộng đồng hoang hoá. Phải chia lại ruộng đất.
Chính quyền thuộc địa lập lại sổ địa chính đem bán đất hoang cho những người