chén nước, đứng dậy vào trong buồng, lục đống sách vở của Điền lấy một
tờ giấy trắng, gấp làm phong bì. Lát sau quay ra, đưa ông Mải:
- Ông nói với vợ chồng anh Túc hộ con. Vì tối nay có cuộc họp, con
không thể ở lại dự bữa cơm gia đình liên hoan tiễn cháu đi làm Xí nghiệp
được. Con gửi mừng anh chị và cháu mấy đồng, ông đưa giúp con.
- Anh cẩn thận quá. Gửi lời thì nói, gửi gói thì mở, tôi sẽ đưa tận tay
vợ chồng bố Túc và nói đúng như lời anh vừa dặn.
- Dạ, con nhờ ông.
Khi Cải ở nhà ông Mải dắt xe ra thì khóm tre ngoài cổng đã đổ bóng
rợp gần hết cái sân gạch. Cuối tháng tư trời nắng nóng nhưng không khí ẩm
ướt, chứ không khô lồng như vào kỳ gió tây. Đồng đã vào cữ lúa chiêm hoe
hoe vàng, nhưng vừa qua cơn gió lốc dễ ngang với trận bão mạnh cấp tám,
cấp chín nên lá tướp khô nỏ, bông cời trắng phơ như cờ lông công trên cánh
đồng. Nhìn màu lúa, biết chắc vụ thất bát, cùng cái đói kém đang rập rình
mọi nhà. Cải đạp xe chầm chậm qua cánh đồng, rồi rẽ lối ngã ba ra đường
trục chạy dọc Xã Tiên Trung. Từ xa đã thấy lố nhố chỗ đầu làng Phương
Trì đám người lúi húi kẻ cuốc, người đào, người gánh, kẻ vác... Người gánh
đi lững thững, người khênh lẵng nhẵng như lôi như đẩy nhau đi, còn những
người vác thì lệch một bên vai bước tấp tểnh như người què. Đúng là
những người làm việc thổ mộc giữa kỳ giáp hạt, chưa đến mức đói vàng
mắt, nhưng cũng không thể bảo họ là những người ăn no vác nặng. Cải đạp
xe đi trên đường cái, nhìn ngớp ra chỗ người đang làm. Hình như đang
vượt nền hay sao, thấy rất đông tay mai, tay cuốc như kiểu đào ao hồ lấy
đất cát dâng nền. Cải đi qua chỉ nhìn ngớp ra, chứ không dừng xe. Nhưng
mới đi qua được một quãng, bỗng nghe tiếng người gọi:
- Bác Cải ơi, bác Cải!