quyền cậy thế ức hiếp dân lắm, tư túi nhau nhiều, thì bà con chúng em cũng
phải có cách làm nuôi con cái, chứ chẳng lẽ đẻ chúng ra lại để chúng chết
đói. Còn đã vào Hợp tác xã thì ai chẳng mong làm ăn khấm khá, nước nổi
thuyền nổi, hợp tác giàu thì dân cũng giàu, chứ hợp tác đã nghèo thì dân
cũng chỉ còn cách ăn cháo thôi, bác ạ. Thế nên hôm nọ nghe ông Mải nói:
"Ông Cải về làm Bí thư Huyện rồi", trong bụng em cũng thấy mừng: "Bác
Cải về, may Huyện mình có mở mày mở mặt ra được chăng".
Cải bỗng thấy bồi hồi xúc động trước lời nói chân tình của một nông
dân chất phác, lại như thấy có cái gì thân thiết tuột khỏi tầm tay. Anh nói
với Túc, mà mắt lại nhìn sang ông Mải:
- Nhưng tôi về thì ông lại làm đơn xin ra Đảng rồi, chứ có chịu ở lại
góp sức cùng Đảng bộ giải quyết tình hình phức tạp đó đâu. Nói đến đây,
Cải bỗng như trút sự buồn bực, tức giận rất vô cớ: Nói đến những chướng
tai gai mắt thì ai cũng tỏ nỗi bất bình, có khi còn đùng đùng nổi giận, muốn
lật tung lên tất cả nữa kia. Nhưng khi cần có mình góp sức gỡ bỏ cái gai ấy
đi, thì lại né sang bên, như kẻ lẩn trốn, chả còn hiểu thế là thế nào nữa?
Vậy nhưng Túc vẫn hiểu câu Cải vừa nói là ngầm ý trách móc, hờn
giận với ai. Túc nhìn Cải, cười cười:
- Thế thì bác chưa hiểu ông em rồi. Ông em làm đơn xin ra Đảng cũng
là muốn giữ thanh danh cho Đảng đấy!
Ông Mải tiếp lời:
- Nói thật với Bí thư Huyện uỷ, lúc nhà cửa hư hỏng, động mưa là
trong nhà như ngoài sân, tôi còn dám cho vớt cả ao gỗ lên lót đường kéo
pháo. Giờ nhà xây sân gạch thế này, bấn sao tôi lại ra Đảng. Nhưng đúng
như Túc nó nói, chẳng qua cũng là muốn cho cái Chi bộ này, Đảng bộ này
mạnh thực sự, trong sạch thực sự, chứ không phải chỉ là cái tiếng hão, cái
danh hờ, còn thực chất bên trong lại rác rưởi, sâu bọ nhung nhúc, thì chỉ