chuyện: "Con ra ngoài lò gạch. Hôm nay họ đốt lò". Giọng ông cụ tỉnh khô:
"Đốt lò thì bấn gì đến anh". Thật cả đời được một lần nói dối không xuôi.
Đúng là đốt lò gạch thì bận gì đến tôi, một người chưa từng cầm cái khuôn
đóng gạch bao giờ, đừng nói đến đốt lò; hơn nữa, hợp tác có hẳn một đội
mấy chục người chuyên làm gạch, có khi nào phải điều lao động của đội
khác ra làm đâu. Tôi lúng túng rút ngăn kéo cất quyển sổ công tác, nghe
thầy tôi nói:
- Anh về nhà anh Thuỵ, hai người bàn nhau nhất định khoán ruộng
chứ gì?
Biết không thể chối quanh, tôi đành đánh bài ngửa:
- Vâng ạ!
- Anh nghĩ thế nào lại cho khoán ruộng?
- Con chỉ nghĩ cứ để mọi việc đồng áng đều do Tập thể làm, thì dẫu
Ban đội có ba đầu sáu tay mười hai con mắt cũng không thể khắp hết được.
Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, huống chi hàng trăm con người thể nào chả
có người lười người chăm, người khoẻ người yếu. Tránh sao khỏi suy bì, tỵ
nạnh nhau. Thế mà lại cùng làm với nhau, cùng hưởng như nhau một mức
công sá, nhất định không sao tránh khỏi người lười dựa người chăm, người
khoẻ tỵ nạnh người yếu. Đã dựa dẫm nhau thì công việc không thể làm
nhanh, làm tốt được. Đã tỵ nạnh nhau thì không thể đoàn kết, tương thân
tương ái với nhau được. Bà con xóm làng ra ngõ chạm nhau, nhưng bằng
mặt mà không bằng lòng, thì đừng nói đến chung sống hoà thuận, trên dưới
đồng tâm, hiệp lực. Có chăng chỉ là giả tạo, nguỵ biện, còn thực chất sức
mạnh nội tại thì không. Thế nên, người thì đông mà công việc cứ ì ra đấy.
Như vụ gặt vừa rồi, nếu không khoán cho bà con để người ta mẹ nào con ấy
lo đưa lúa về nhà, cứ đằng thẳng như mọi vụ kéo nhau ra đồng dăng hàng
ra sặt, thì liệu có khỏi bị mưa bão ngập úng như bên Phương Trì, Phương
La!