Thầy tôi không hiểu có nghe ra, nhưng ông cụ buông chân xuống ghế,
rờ rờ đôi dép đang nằm mỗi nơi một chiếc, mà lại hướng cặp mắt hoe hoe
đỏ về tôi, hỏi:
- Anh không quên là chỉ vì cái chuyện khoán gặt ấy mà cả Đội bị phạt,
còn anh thì tý nữa bị kỷ luật đấy à!
- Con không quên. Nhưng dù bị phạt hay kỷ luật, mà bà con được no
bụng, con cũng sẵn sàng chịu kỷ luật.
Trong khi tôi nói câu ấy, không hiểu sao tôi lại nhìn thẳng vào thầy tôi.
Trên khuôn mặt vuông vức với những đường nhăn hằn sâu trên trán, trông
thầy tôi đang từ đăm chiêu nghĩ ngợi, chuyển dần sang tươi tỉnh, đôi môi
dày, khô khốc, mấp máy như sắp nở nụ cười. Rồi bỗng ông cụ khà khà cười
lên thành tiếng, nghe vừa sảng khoái, lại vừa lạ lùng lắm. Tôi nghe tiếng
cười ấy, bỗng lại thấy chột dạ, không hiểu có phải ông cụ đã nghe ra, hay
lại cho tôi là cái thằng phổi bò, rởm đời, ngang ngạch khó bảo, bất chấp
mọi sự, cũng chưa biết chừng. Tính nết người già nhiều khi thật khó hiểu.
Việc ở đây, có khi lại nói mãi đẩu đâu, thâm thuý đến cay nghiệt. Ấy là tôi
chột dạ nghĩ vậy, chứ ông cụ đã lên tiếng rồi kia:
- Nếu thế thì được. Nhưng tôi chỉ sợ đến khi trên người ta biết, anh lại
như ông Lạc năm đã lâu, chối đây đẩy, đổ vấy cho Tập thể: "Việc này là do
Chi bộ quyết định", thì còn gì là uy tín của Chi bộ trước bàn dân thiên hạ
nữa!
Té ra, ông cụ lo bảo vệ uy tín của Chi bộ. Kể cũng phải. Nhưng chưa
phải. Vì uy tín của Chi bộ đâu chỉ là sự bóng bảy không có tỳ vết, mà thực
chất phải là mọi cư dân ở trong phạm vi tổ chức đảng nơi ấy đều tự giác
làm việc hết mình, để mang lại lợi ích cho mình và cộng đồng làng Xã, làm
sao cho dân có bát ăn bát để, tiền tiêu dư dật, nghĩa vụ với Tập thể và Nhà
nước làm sòng phẳng, không dây dưa năm này qua năm khác. Chứ còn như
cứ mùa màng thất bát, dân chưa hết mùa đã hết thóc, cũng khó mà nói Chi